Sầu riêng là món “khoái khẩu” của nhiều người. Bạn tôi, cứ đến mùa sầu riêng kiểu gì cũng phải “ăn cho đã”. Nhưng vài năm trở lại đây, dù rất thèm nhưng bạn cũng đã hạn chế mua, vì sợ những trái sầu riêng không nguồn gốc xuất xứ trên thị trường thiếu sự bảo đảm về an toàn thực phẩm.
Điều đáng mừng là thông tin trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số ra gần đây cho biết, trên địa bàn tỉnh đã có 124ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, tập trung chủ yếu tại xã Xà Bang và Láng Lớn (huyện Châu Đức). Đến nay có 5 mã số được xuất đi thị trường Trung Quốc (bao gồm: Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức I, Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức II, Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức III, Tổ sản xuất sầu riêng Liên Đức IV và HTX sầu riêng 9 Bê).
Mã số vùng trồng, hiểu nôm na tương tự như để xuất ngoại, mỗi người cần có một tấm hộ chiếu với thông tin cá nhân cụ thể, rõ ràng. Mã số vùng trồng nông sản chính là “tấm hộ chiếu” để trái cây rộng đường xuất khẩu. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mã số vùng trồng được cấp cho vùng trồng nông sản có sự kết hợp các ký tự và mã số như sau: Mã quốc gia; mã tỉnh, thành phố; mã quận, huyện; mã xã, phường và số thứ tự theo danh sách mã do Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt và cấp. Để được cấp mã số vùng trồng, tất cả phải đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu như canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động…
Hiệu quả từ việc xây dựng, cấp mã vùng trồng cũng đã thấy rõ khi sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định (xuất khẩu), giá bán cao hơn so với sản xuất thông thường. Tính đến nay, toàn tỉnh có 37 mã vùng trồng xuất khẩu và 60 mã vùng trồng tiêu thụ nội địa. Trong số 37 mã vùng trồng xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu là nhãn, chuối, sầu riêng, bưởi, thanh long được cấp mã số với diện tích 919,3ha, sản lượng gần 21.320 tấn và 3 mã cơ sở đóng gói. Thị trường nhập khẩu các loại trái cây có mã vùng trồng gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zeland, Úc…
Thông tin trên báo chí gần đây cho thấy, nhiều loại nông sản Việt, đặc biệt là trái sầu riêng đã xây dựng được uy tín, thương hiệu ở một số thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Anh…
Nhưng đấy là phục vụ cho xuất khẩu. Còn ở thị trường nội tỉnh thì dù rất muốn, và có thể trả số tiền cao hơn nhưng người dân cũng chưa thể mua trái sầu riêng có mã số vùng trồng. Trong khi đó, trên thực tế nhiều người đã chi hàng triệu đồng để mua sầu riêng Musang King nhập khẩu từ Malaysia. Nhiều loại trái cây khác cũng tương tự như vậy. Thế nhưng ngay ở thị trường nội địa, rất khó để mua những sản phẩm trái cây sạch, an toàn có xuất xứ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Xây dựng mã vùng trồng là giải pháp mà ngành nông nghiệp hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm minh bạch, có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình này, điều mà người tiêu dùng quan tâm là không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường xuất khẩu mà cần chú trọng ngay cả trên “sân nhà” - nơi ngày càng bị cạnh tranh bởi nhiều loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hoa Kỳ… đang có lợi thế lớn về chất lượng và giá cả.
LAM GIANG