Không chỉ là chuyện cây cầu

Thứ Hai, 17/06/2024, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số ra ngày 17/6 có bài viết “Nông dân xã Hòa Bình mong có cây cầu để vận chuyển nông sản”, phản ánh tình trạng cây cầu giữa các vùng sản xuất  bị sụt lún, hư hỏng, nhỏ hẹp khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, trong khi nông sản lại bị tiểu thương ép giá khiến lợi nhuận giảm.

Câu chuyện trong bài báo khiến tôi nhớ lại hơn chục năm về trước, khi chọn mua 5ha tiêu, điều tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, cậu tôi đã không khỏi lo lắng bởi khu vườn nằm cách xa đường giao thông. Chỉ có một lối mòn do người dân đi nhiều mà thành đường, đủ để hai xe máy tránh nhau. Nông sản thu hoạch xong phải chở bằng xe máy ra thị trấn Ngãi Giao gần chục km. Đó là chưa kể, mỗi lần mua vật tư nông nghiệp cũng vô cùng gian nan trong khâu vận chuyển về vườn. Còn nếu thương lái vào tận vườn, phải tính chuyện giảm giá, bù chi phí vận chuyển...

Chuyện xưa đã thành quá vãng. Từ khi đường giao thông Hội Bài - Phước Tân - Bình Ba - Đá Bạc, đường 765… được xây dựng, mở rộng, xe ô tô của thương lái vào tận vườn, cậu tôi cũng như nhiều nông dân khác ở đây đã không còn phải vất vả chở tiêu, điều ra thị trấn nữa. Thu hoạch đến đâu bán đến đó. Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đa dạng nhờ khâu tiêu thụ thuận lợi, giá trị nông sản cũng tăng cao hơn nhiều so với trước đây. Đặc biệt là đối với các loại cây ăn trái càng cần phải tiêu thụ kịp thời khi đến mùa thu hoạch, thì việc vận chuyển nhanh đã góp phần đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn tươi ngon nhất.

Chắc chắn rằng ở mỗi vùng sản xuất nông nghiệp, ngoài thời tiết, khoa học kỹ thuật thì một trong những điều kiện tiên quyết đến việc nâng cao giá trị vẫn là giao thông thuận lợi. Hay nói cách khác, đó là logistics cho nông nghiệp. Hiểu một cách đơn giản nhất chính là một chuỗi từ khâu lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa nhanh nhất, tối ưu nhất từ nơi sản xuất cung cấp đến tay người tiêu dùng.

Mặc dù có nhiều thành tựu nhất định, tuy nhiên trên thực tế logistics cho nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều điểm hạn chế đã ảnh hưởng tới chất lượng và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm ngành này. Ngoài lợi thế về hạ tầng được đầu tư phát triển thì kênh phân phối và bảo quản sản phẩm nông sản chủ yếu qua các chợ đầu mối và chợ dân sinh, trong khi hệ thống này chưa đáp ứng được yêu cầu về khâu bảo quản, cung ứng số lượng lớn. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư kho lạnh để phân loại, bảo quản, sơ chế nhằm bảo đảm chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc để phục vụ cho xuất khẩu… Trong khi đó, nông sản luôn cần cần đảm bảo tươi sống và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn. Thiếu khâu bảo quản, chế biến sau thu hoạch cũng khiến cho sức cạnh tranh nông sản chưa cao.

Chính vì vậy, việc hoàn thiện hạ tầng hệ thống logistics phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa và xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Và đó không chỉ là chuyện đầu tư cây cầu, con đường mà còn là giải pháp đồng bộ trong tất cả các khâu.

NGÔ GIA

;
.