Bán tín chỉ carbon để giữ rừng

Chủ Nhật, 23/06/2024, 16:09 [GMT+7]
In bài này
.

Năm 2023, Bộ NN&PTNT đã bán được 10,3 triệu tấn CO2 thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 1.250 tỷ đồng. Sáu địa phương vùng bắc Trung bộ được hưởng lợi từ thương vụ bán tín chỉ carbon rừng đầu tiên là: Nghệ An:282 tỷ đồng, Quảng Bình: 235 tỷ đồng, Thanh Hóa: 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh: 122 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế: 107 tỷ đồng và Quảng Trị: 51 tỷ đồng.

Hiện tại, năm 2024, nhiều doanh nghiệp nước ta có nhu cầu rất cao về xác lập tín chỉ carbon và tìm được đối tác mua tín chỉ carbon với giá thành cạnh tranh. Vì thế, họ mong muốn hợp tác với các chủ rừng cùng cam kết quản lý rừng không bị xâm hại trong vòng 10 năm, đặc biệt là với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để xác lập và khai thác tín chỉ carbon. Đối với rừng sản xuất (rừng dừa, cao su, cà phê …) các doanh nghiệp đề xuất và khuyến nghị các chủ rừng nâng cao trách nhiệm quản lý để có thể khai thác được tín chỉ carbon trong tương lai.

Tín chỉ carbon là gì? Là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính (cụ thể là khí CO2), đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương một tấn CO2 vào bầu khí quyển. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải CO2 và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Thị trường tín chỉ carbon được bắt nguồn từ Nghi định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán hoặc mua từ các các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/ hấp thụ phát thải khí nhà kính – CO2, các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Diện tích rừng của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đang ngày càng bị thu hẹp, trong đó có nhiều nguyên nhân chính, như: khai thác gỗ, canh tác, cháy rừng …. Điều này dẫn đến việc lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, như: hạn hán cực đoan, lũ lụt bất thường, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người và hệ sinh thái.

Bán tín chỉ carbon để giữ rừng đang là một hướng đi mới của nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Từ thực tế bán 10,3 triệu tấn CO2, thu về 1.250 tỷ đồng tại 6 tỉnh bắc Trung bộ, cho thấy, tiềm năng thương mại thị trường tín chỉ carbon của nước ta là rất lớn. Trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng, Việt Nam lọt vào top 15 và theo ước tính, với diện tích rừng hiện có (14,79 triệu ha) mỗi năm nước ta có thể bán được 40 triệu tín chỉ carbon, thu về khoảng 5.000 tỷ đồng.

Ý định thư của Việt Nam ký với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp – cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAP) đã và đang mở ra nhiều kỳ vọng mới cho thị trường tín chỉ carbon nước ta. Theo đó, diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đã đăng ký với LEAP là 4,26 triệu ha (trong đó, rừng tự nhiên là 3,24 triệu ha và rừng trồng là 1,02 triệu ha).

Từ các văn bản quan trọng này, nhất là sau năm 2025 khi nước ta thành lập và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ hội để việc giữ rừng từ việc mua bán khí CO2 sẽ sôi động hơn. Bởi thị trường carbon tạo ra nguồn thu nhập mới cho các dự án và các hoạt động giảm phát thải trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của đất nước, của các địa phương, thông qua các hoạt động, như: bảo vệ rừng, trồng rừng và phát triển năng lượng tái tạo.

Là địa phương có diện tích rừng quốc gia, rừng đặc dụng, rừng trồng cây công nghiệp lớn (ở các huyện: Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức…) tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu có nhiều dư địa để xác lập tín chỉ carbon và triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và phát triển thị trường carbon, tạo ra nguồn lực tài chính để tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

HOÀNG LÊ

 

;
.