Xây dựng cơ chế phù hợp cấp LNG cho sản xuất điện

Chủ Nhật, 12/05/2024, 16:22 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những ngày đầu tháng 5, tập thể người lao động Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS) đón nhận tin vui khi tiếp nhận thành công 60 ngàn tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên con tàu Hoegh Gandria, xuất phát tại cảng Bintulu (Malaysia) cập Kho cảng LNG Thị Vải. Đây là chuyến tàu LNG thứ 3 được PV GAS mang về Việt Nam và là chuyến tàu thứ 2 trong năm 2024.

Lãnh đạo PV GAS chia sẻ, cũng giống như chuyến đầu tiên, 2 chuyến tàu LNG về Việt Nam trong tháng 4 được PV GAS đặc biệt chú trọng, huy động tổng lực từ các đơn vị của tổng công ty và các bên liên quan. Toàn bộ quá trình đón tàu từ phao số 0 đến lúc tàu cập cảng đều được thực hiện an toàn tuyệt đối, đúng quy định. Và chỉ sau 3 chuyến tàu nhập khẩu LNG, PV GAS đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, kỹ thuật trong tất cả các khâu liên quan, từ việc việc tiếp nhận, đến vận hành kho cảng LNG Thị Vải. Công tác phối hợp với các đơn vị chức năng trong quá trình cập/rời tàu, vận hành nhập/xuất hàng, cấp khí, bảo đảm an ninh - an toàn, bảo vệ môi trường... được thực hiện tốt và duy trì nhịp nhàng.

Nếu như chuyến tàu LNG đầu tiên mở ra cơ hội mới trong lĩnh vực kinh doanh LNG, khởi đầu hành trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam, thì 2 chuyến tàu LNG này như một lời khẳng định quyết tâm của PV GAS, cũng như sự mong muốn quá trình chuyển đổi xanh tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Điều đáng nói, những chuyến tàu chở LNG được PV GAS mang về đã kịp thời đưa vào phục vụ sản xuất điện và cung cấp năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp khác tại Việt Nam, trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu khác đang gặp khó khăn, lại đúng thời điểm nắng nóng gia tăng.

Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho hay, sau thời gian dài khai thác, các mỏ khí thiên nhiên trong nước đang trong quá trình suy giảm sản lượng. Với các nguồn khí đang khai thác hiện hữu, ước tính sản lượng khí sẽ suy giảm từ hơn 6 tỷ m3 khí/năm hiện nay, xuống còn khoảng 4 tỷ m3 khí/năm kể từ năm 2028.

Trước thực trạng đó, việc bổ sung nguồn LNG nhập khẩu là yêu cầu tất yếu, đáp ứng nguồn cung nhiên liệu sơ cấp cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là với nhu cầu năng lượng của đất nước ngày càng tăng cao. Việc này cũng phù hợp với mục tiêu của quốc gia trong lĩnh vực LNG, đáp ứng yêu cầu cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng lượng khí LNG đã được PV GAS cam kết cung cấp cho EVN đạt khoảng 160 triệu m3 khí, tương đương lượng điện sản xuất từ LNG đạt khoảng 850 triệu KWh.

Như vậy, để bảo đảm cung cấp khí ổn định cho sản xuất điện mùa khô năm 2024 và trong các năm tiếp theo, việc bổ sung nguồn LNG nhập khẩu là phương án cần thiết và cấp bách. Tuy vậy, việc nhập khẩu, kinh doanh LNG vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, mới đây tại buổi làm việc của Bộ Công thương với PV GAS về việc cung cấp khí cho sản xuất điện trong mùa khô năm 2024, PV GAS kiến nghị sớm ban hành các thông tư/nghị định hướng dẫn về cơ chế cấp LNG cho sản xuất điện. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc triển khai nhập khẩu LNG theo hướng đầu tư tập trung, nhằm tối ưu chi phí đầu tư và giảm giá thành phát điện. Trong đó, giao Petrovietnam/PV GAS giữ vai trò chủ đạo phát triển hệ thống hạ tầng nhập khẩu, phân phối LNG của quốc gia, đồng thời là đơn vị đầu mối ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho các nhà máy điện trong Quy hoạch Điện VIII.

Lãnh đạo PV GAS cũng chia sẻ mong muốn có cơ sở pháp lý vững vàng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh LNG. Cụ thể, PV GAS mong muốn Nhà nước chấp thuận chủ trương bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm, cần có cơ chế chuyển ngang bao tiêu khối lượng khí và giá khí LNG tái hóa cùng với các quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền phê duyệt nguyên tắc xác định giá LNG nhập khẩu, phân phối LNG... để có cơ sở ký kết hợp đồng mua bán khí LNG tái hóa với các nhà máy điện.

HÀ AN

;
.