Nguồn lực cho phát triển xanh

Thứ Sáu, 10/05/2024, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Trong lễ công bố Chỉ số (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 vừa diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội, Chỉ số PGI Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 11 bậc, từ vị trí thứ 19 lên thứ 8 trên bảng xếp hạng. Trong đó, tăng mạnh nhất là chỉ số thành phần 4 - chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hành xanh, tăng từ 1,99 lên 5,09.

Kết quả này có được từ việc nhiều năm qua tỉnh luôn thu hút đầu tư có chọn lọc theo phương châm “5 ít” - ít thâm dụng đất đai, ít tiêu tốn nhiên liệu, ít tiêu tốn năng lượng, ít thâm dụng lao động và ít ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đến nguồn năng lượng sạch, xanh, thúc đẩy thực hành xanh, khuyến khích và hỗ trợ DN gia nhập, mở rộng hoạt động trong các ngành sản xuất, kinh doanh xanh…

Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiến dần đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, mà ý nghĩa cốt lõi của nó là đảm bảo môi trường sống trong sạch và bền vững. Tuy nhiên, để đi đến mục tiêu, phía trước còn nhiều thách thức, đặc biệt là nguồn lực tài chính.

Nhiều quốc gia đã chi rất lớn để triển khai các chính sách phát triển nền kinh tế xanh. Chẳng hạn, Mỹ là quốc gia sớm tiếp cận với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và dẫn đầu nền kinh tế xanh toàn cầu. Thời gian qua, Chính phủ Mỹ đã chi nhiều khoản đầu tư lớn cho dự án nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện, cơ sở hạ tầng xe điện, năng lượng tái tạo, bảo quản năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả hydro, thu gom CO2, tăng khả năng thích ứng và phục hồi trước biến đổi khí hậu…

Các hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tự nhiên, hỗ trợ cộng đồng quản lý rừng và chống biến đổi khí hậu, cũng cần có nguồn lực tài chính lớn. Nước ta nằm trong số những quốc gia có nguồn lực tài chính ngân sách hạn hẹp. Do đó, việc huy động các nguồn lực tài chính khác ngoài ngân sách cho mục tiêu xanh hóa nền kinh tế là điều cần thiết.

Bhutan là một quốc gia nhỏ bé với tổng sản phẩm quốc nội chỉ hơn 2 tỷ USD, nhưng đã thành công trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh và là quốc gia có khí phát thải nhà kính âm. Để giải quyết vấn đề tài chính, chính phủ Bhutan đã lên ý tưởng thiết lập chương trình “Bhutan vì Cuộc sống” để xây dựng Quỹ tài chính chuyển đổi từ các nhà tài trợ cá nhân, tập đoàn và các tổ chức. Việc huy động chỉ khép lại khi đạt được các chỉ tiêu định trước và tất cả các nguồn tài trợ được cam kết. Mỗi nhà tài trợ có thể cam kết mà không phải lo lắng rằng họ sẽ bị bỏ rơi vì hỗ trợ một kế hoạch tài trợ không đủ lớn. Khi một chương trình thành công, chính phủ sẽ dùng quỹ tài chính chuyển đổi để bảo vệ các mảng xanh. Trong thời gian đó, chính phủ sẽ có thêm thời gian để gia tăng nguồn tài chính…

Bên cạnh việc huy động nguồn lực tài chính trong nước, còn đòi hỏi sự tích cực, chủ động đề xuất các dự án về bảo vệ môi trường để thu hút nguồn lực đầu tư từ các quỹ tài chính, các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới; nỗ lực khai thác tốt hơn các mối quan hệ, tương tác với các chính sách của quốc tế, tìm ra phương pháp thích hợp để áp dụng công nghệ xanh và giảm lượng khí thải CO2 trong các lĩnh vực.  

Khi có nguồn tài chính bảo đảm, cùng với những chính sách phù hợp, tức là sẽ có nền tảng vững chắc để hoàn thành đích đến về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.

NGUYỄN THI

;
.