Xây dựng văn hóa giao thông

Thứ Năm, 22/02/2024, 16:51 [GMT+7]
In bài này
.

Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn (tỉnh Thừa Thiên Huế) khiến 3 mẹ con thiệt mạng hôm 18/2. Nguyên nhân ban đầu được xác định là tài xế xe 7 chỗ - chở một gia đình - đã vượt phải trái phép rồi tạt đầu, dẫn đến va chạm với xe đầu kéo cùng chiều và đâm vào xe tải ở hướng ngược lại.

Sau vụ tai nạn, nhiều ý kiến đã phân tích nguyên nhân, trong đó ngoài lỗi trực tiếp do tài xế vượt ẩu, nhiều người còn cho rằng nguyên nhân do đường hẹp, cao tốc chưa hoàn chỉnh khi chỉ có 2 làn đường, lại không có dải phân cách cứng.

Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn các vụ tai nạn là do hạ tầng giao thông. Xem lại hình ảnh vụ tai nạn kể trên và một số vụ tai nạn giao thông khác, các video clip do người dùng ghi lại trên các tuyến cao tốc trong dịp Tết vừa qua, cũng như trải nghiệm thực tế trong khi lái xe, chúng tôi cho rằng ý thức chấp hành luật lệ giao thông của tài xế là rất quan trọng. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã không xảy ra, nếu tài xế có văn hóa giao thông, tuân thủ pháp luật và quy tắc giao thông.

Trong quá trình lưu thông, nhiều tài xế, đặc biệt là tài xế của các hãng xe khách, xe tải thường chạy rất ẩu. Với tâm lý “xe tôi to, các anh phải nhường đường, phải né tránh, bởi nếu có xảy ra va chạm thì các anh thiệt”, tình trạng tài xế xe tải, xe khách phóng nhanh, vượt ẩu, tạt đầu diễn ra khá phổ biến. Gặp những “hung thần xa lộ” như vậy, tài xế chạy xe nhỏ phải vội vã nhường đường. Người tay lái vững, có kinh nghiệm còn có thể bình tĩnh, xử lý kịp. Người ít lái xe hoặc chỉ quen đi trong đô thị sẽ không tránh khỏi tâm lý căng thẳng, dễ giật mình và không xử lý kịp tình huống, rất dễ xảy ra tai nạn.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế chưa hiểu luật và quy tắc giao thông khi chạy tốc độ thấp nhưng vẫn đi vào làn ngoài cùng bên trái theo hướng lưu thông, không nhường đường khi xe phía sau xin vượt, gây ức chế cho người đi sau. Tài xế có tâm lý nôn nóng, không giữ khoảng cách an toàn, thấy khoảng trống ở đầu xe phía trước là sẵn sàng vượt lên giành đường và “lấp chỗ trống”. Trên cao tốc, khi các xe lưu thông với tốc độ cao, những hành vi này rất nguy hiểm, dễ gây ra tai nạn giao thông.

Các chuyên gia cho rằng, trong khi nguồn vốn còn hạn chế và một số vấn đề về kỹ thuật cho đường cao tốc có thể phát sinh trong quá trình sử dụng, việc thích ứng, học hỏi, rèn luyện thói quen, kỹ năng lái xe an toàn trên loại hình giao thông khá mới mẻ với nhiều tài xế ở Việt Nam cũng cần được quan tâm. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, để sử dụng đường cao tốc đòi hỏi những công dân có trình độ phát triển con người cao, nghĩa là phải hiểu luật và chấp hành nghiêm luật, có văn hóa giao thông, có kỹ năng lái xe an toàn.

Để tạo nên tài xế đó đòi hỏi quá trình dài giáo dục, rèn luyện. Việc giáo dục, rèn luyện cần được bắt đầu khi còn là học sinh, rèn luyện trong gia đình và cả trong quá trình học tập để thi lấy giấy phép lái xe. Chương trình đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe nên chú trọng cả các nội dung về văn hóa giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, chứ không chỉ tập trung vào việc làm sao để học viên thi đậu.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường xử phạt, xử phạt nghiêm, xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông và từ hình ảnh do người dân cung cấp. Chế tài xử phạt cần đủ mạnh để đủ sức răn đe, xử phạt trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đối với các hành vi vi phạm luật lệ giao thông, tương tự như vi phạm nồng độ cồn.

NGUYỄN ĐỨC

;
.