Năm 2023, là năm thắng lợi lớn của ngành xuất khẩu rau quả nước ta, với kim ngạch lần đầu tiên chạm mức kỷ lục: 5,7 tỷ USD. Trong đó, giành vị trí cao nhất là đơn hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ USD.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu rau quả năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng: Tiếp nối thành công của năm vừa qua, ngành hàng rau quả nước ta nhắm tới mục tiêu xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trong năm nay và kỳ vọng sẽ đạt 7 tỷ USD nếu chúng ta tận dụng tốt các thời cơ, ký được thêm nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm hàng hóa rau quả mới. Dự tính, tới đây, Việt Nam sẽ ký thêm nghị định thư xuất khẩu dừa và sản phẩm sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, hạt mắc ca sang thị trường Hàn Quốc…
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn chứng thêm, khi ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, chúng ta chỉ kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này ở mức 1 tỷ USD. Thế nhưng, kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đã vượt hơn 2 lần dự báo trước đó. Nếu sầu riêng đông lạnh và dừa được xuất khẩu theo đường chính ngạch vào thị trường Trung Quốc thì kim ngạch rau quả xuất khẩu còn cao hơn nữa, vì xuất khẩu 1 container cơm sầu riêng đông lạnh có giá trị cao gấp nhiều lần so với trái tươi.
Những năm gần đây, nông nghiệp nước ta đã thực sự được khẳng định là vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và xuất khẩu được nhiều loại trái cây đạt giá trị kim ngạch cao (như: sầu riêng, vải, xoài, nhãn, vú sữa…). Thời gian tới, nhằm phát huy hơn nữa vai trò “bệ đỡ”của nền kinh tế và đạt mốc 6-7 tỷ USD xuất khẩu rau quả, các địa phương, các DN cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, dịch chuyển mạnh thị trường xuất khẩu rau quả với quy mô lớn hơn.
Giải bài toán cho các vấn đế này, theo các chuyên gia kinh tế, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học công nghệ cao là cách để giải quyết các thách thức trong sản xuất rau quả hiện nay bằng sự ưu việt của khoa học công nghệ, như: công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến và tự động hóa,… Mặt khác, nông nghiệp UDCNC giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu về chất lượng rau quả.
Từ nhiều năm qua, việc UDCNC trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong canh tác các loại rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã được quan tâm, chú trọng đầu tư. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 cơ sở sản xuất trồng trọt UDCNC, với quy mô diện tích đang sản xuất là 5.685 ha. Các công nghệ áp dụng chủ yếu là: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước, kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động, công nghệ thủy canh… trên các sản phẩm rau, dưa lưới, cây ăn quả (bưởi, chuối, bơ, nhãn, mít …) và các loại cây công nghiệp (hồ tiêu, ca cao, nhàu…). Sản xuất rau quả UDCNC giúp các cơ sở chủ động được mùa vụ, tăng số vụ sản xuất trong năm, kiểm soát được dịch hại, vật tư nông nghiệp đầu vào, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP…
Xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ vượt 6-7 tỷ USD khi các địa phương, DN, các HTX và nhà nông chủ động nhận dạng được các khó khăn, thách thức, kịp thời đề ra các giải pháp ứng phó linh hoạt trong sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh việc nhân giống cây trồng theo phương pháp mới, ứng dụng hiệu quả các công nghệ tiên tiến (công nghệ sinh học, công cụ canh tác nhận dạng tự động - AIS, số hóa…) giúp nông dân thích ứng nhanh với mùa vụ với năng suất nông nghiệp cao, chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng rau quả đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu khó tính.
HOÀNG LÊ