Gần 2 năm nay, nhiều người dân tại thôn 1, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu đã quen thuộc với việc phân loại rác tại nguồn. Hình ảnh những thùng rác sơn màu tương ứng 3 loại rác vô cơ, hữu cơ và rác tái chế khác.. đã trở nên quen thuộc với người dân xã đảo.
Đây là kết quả của việc thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, một hoạt động thuộc cam kết của SCGC trong khuôn khổ hợp tác công tư (PPC) mà SCGC đã cùng với Bộ TN-MT, Dow Việt Nam và Unilever Việt Nam ký kết nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Thống kê cho thấy, dự án đã thu gom được hơn 9 tấn rác tái chế. Trong khi đó, rác hữu cơ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và có hơn 8 tấn rác hữu cơ được sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, dự án còn hướng dẫn người dân cách ủ phân hữu cơ và cung cấp các trang thiết bị cần thiết cho gần 20 hộ gia đình và 20% số hộ tham gia hiện vẫn duy trì hoạt động ủ phân này.
Có thể nói, những thay đổi trong nhận thức của người dân, DN từ phạm vi nhỏ sẽ lan tỏa thành quy mô rộng lớn hơn. Và phân loại rác sẽ không mang tính chất phong trào mà trở thành ý thức, thói quen văn minh của mỗi người. Bởi từ ngày 1/1/2025, nghĩa là chỉ 1 năm nữa, cả nước sẽ phải đồng loạt thực hiện phân loại rác tại nguồn - việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Đây là hướng dẫn quan trọng để các địa phương triển khai kế hoạch phân loại, thu gom, xử lý rác theo điều 75 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Để triển khai nhiệm vụ trên, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về việc thực hiện các nhiệm vụ đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Kế hoạch nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong phạm vi, lĩnh vực và địa bàn được giao quản lý, phụ trách, thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Phân loại rác tại nguồn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và được người dân ủng hộ. Bởi, ai cũng thấy hậu quả của việc chôn lấp thông thường gây lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp, ô nhiễm môi trường, tình trạng quá tải trong xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều việc phải làm để tiến tới thực hiện phân loại rác thải tại nguồn từ ngày 1/1/2025. Đó không chỉ là tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng mà còn bao gồm đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý tái chế rác thải sinh hoạt. Đặc biệt, thay đổi nhận thức và nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác vẫn là một bài toán khó…
NGÔ GIA