Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh đến “thể diện quốc gia” khi đề cập tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU vẫn còn xảy ra ở một số địa phương trong cả nước, tại cuộc họp lần thứ tám BCĐ quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp do ông chủ trì, diễn ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và trực tuyến với 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước ngày 13/12.
Trong đợt thanh tra lần thứ tư vào tháng 10/2023, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục ghi nhận, đánh giá kết quả chống IUU của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực hơn rất nhiều so với trước. Tuy vậy, công tác này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục, đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện thực tế tại địa phương, nên chưa thể gỡ được “thẻ vàng”.
Với việc bị “thẻ vàng”, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu hàng năm bị giảm sút hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó, 100% lô hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường này đều bị kiểm tra nguồn gốc khai thác, thay vì chọn mẫu ngẫu nhiên. Điều này khiến DN tốn thêm thời gian, chi phí và đối mặt nhiều rủi ro. Hơn nữa, ngoài châu Âu, những thị trường khác cũng sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát thủy sản Việt Nam chặt chẽ hơn. Trường hợp xấu nhất, nếu bị EC phạt “thẻ đỏ”, châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới sẽ không nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Khi đó, ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản Việt Nam sẽ càng điêu đứng.
Không thể phủ nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng ngư dân và DN trong công tác chống IUU 6 năm qua. Tuy vậy, công tác này còn nhiều tồn tại, hạn chế, từ việc ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh cá và bị bắt giữ; quản lý tàu cá, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản đến công tác theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác…
Dự kiến, đoàn thanh tra của EC sẽ trở lại Việt Nam lần thứ năm vào tháng 4/2024. Thủy sản có được gỡ “thẻ vàng” EC hay không phụ thuộc rất lớn vào hành động của Việt Nam trong 4 tháng tới. Hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC. Nhưng, để công tác này đạt hiệu quả, vai trò của ngư dân và DN chế biến thủy sản là rất quan trọng.
Việc tuân thủ quy định khai thác thủy sản sẽ ảnh hưởng lớn tới thu nhập và đời sống của nhiều ngư dân nhưng không thể vì thế mà “đói ăn vụng, túng làm liều”. Ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản; DN chế biến thủy sản nhập nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều là vi phạm pháp luật. Những hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý tùy theo mức độ vi phạm. Hơn nữa, những hành vi này còn ảnh hưởng tới hình ảnh và thể diện quốc gia.
Vì vậy, tình trạng vi phạm IUU nếu không được xử lý dứt điểm, không gỡ được “thẻ vàng”, thậm chí còn bị cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ khiến cho hình ảnh, uy tín Việt Nam bị ảnh hưởng, giảm sút trong mắt cộng đồng quốc tế.
Tục ngữ có câu “đói cho sạch, rách cho thơm” để răn dạy con người dù đói rách cũng quyết gìn giữ nhân cách và phẩm chất tốt đẹp. Nhân cách con người, thể diện quốc gia còn quan trọng hơn cả những đồng tiền kiếm được từ hành vi phạm pháp. Mỗi chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, chủ DN cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân để chung tay cùng Chính phủ, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương chống IUU, gỡ cho được “thẻ vàng” EC, qua đó mở rộng cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu, xa hơn nữa là góp phần nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
NGUYỄN ĐỨC