'Trái ngọt' liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ

Thứ Sáu, 29/12/2023, 15:27 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 7 vùng kinh tế trọng điểm cả nước, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch. Trong đó, mỗi địa phương sở hữu những đặc trưng riêng. TP.Hồ Chí Minh - đầu mối giao thương lớn nhất nước có thế mạnh mua sắm, văn hóa - lịch sử, ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch y tế, giải trí. Đồng Nai khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa-lịch sử. Bà Rịa-Vũng Tàu chuyên du lịch biển, nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo, điều dưỡng chữa lành, văn hóa - lịch sử, sinh thái, thể thao. Tây Ninh hướng vào du lịch văn hóa - làng nghề. Bình Phước tập trung cho du lịch cộng đồng, nông nghiệp, về nguồn. Bình Dương khai thác di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, sinh thái.

6 địa phương nói trên dù sở hữu nhiều tài nguyên nhưng tựa “viên ngọc thô”. Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn du lịch, 6 địa phương cùng xích lại xây dựng những định hướng mới phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí chiến lược của vùng, đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa với phương châm “muốn đi xa phải đi cùng nhau” bằng thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025.

Tính đến nay, thỏa thuận đã ký kết được 3 năm. Nhìn lại 3 năm thực hiện thỏa thuận, 5 chữ “kết” gồm: công tác quản lý nhà nước về du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm du lịch đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, kéo các tỉnh/thành trong vùng xích lại gần nhau.

Trong đó, chữ “kết” sáng giá nhất là ra đời nhiều tour liên tuyến, liên vùng trên cơ sở mài giũa từng “viên ngọc thô” ở từng địa phương rồi xâu chuỗi, mắt xích lại bổ sung làm đầy thêm kho tài nguyên du lịch cho toàn vùng khai thác. 6 địa phương kết thành một Đông Nam Bộ năng động - hiện đại - thơ mộng - quyến rũ thể hiện qua ngồn ngộn tour liên tuyến theo chủ đề được hình thành.

Chẳng hạn, tour “Non nước hữu tình” hành trình TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh chinh phục núi Bà Đen - về biển Vũng Tàu - Khám phá sông nước Tiền Giang - Bến Tre; tour “Bình yên giữa núi rừng Nam bộ - Bình Dương - rừng Kiến An - hồ Dầu Tiếng - Tây Ninh; tour Màu xanh trên miền đất thép Củ Chi - Tây Ninh”; tour Thành phố xanh hòa ca sắc biển hành trình TP.Thủ Đức - TP.Vũng Tàu ngồi ca nô khám phá “kinh đô dầu khí”; tour Đồng Nai - KDL Bửu Long - làng bưởi Tân Triều - TP.Vũng Tàu - đảo Gò Găng - Nhà Lớn Long Sơn.

Tuy nhiên, khách quan phải nhìn nhận rằng, hoạt động liên kết du lịch giữa 6 tỉnh chủ yếu vẫn là các sự kiện bề nổi như hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm. Tại hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023 diễn ra trong 2 ngày 21 và 22/12 vừa qua, lãnh đạo các tỉnh/thành trong vùng cũng chia sẻ thẳng thắn những hạn chế trên.

Do đó, để khai thác tối đa và phát huy hiệu quả liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ, cần sớm hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng; xây dựng kế hoạch quảng bá du lịch vùng trên kênh truyền thông quốc tế. Đồng thời tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, xây dựng cơ chế, chính sách liên kết thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Việc tạo thêm nhiều sản phẩm xóa bỏ ngăn cách về địa giới hành chính, cho người đi du lịch được trải nghiệm trọn vẹn dịch vụ với chi phí hợp lý, gia tăng lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực cũng là giải pháp cần lưu ý. Hy vọng rằng với tâm huyết, trách nhiệm và sự cố gắng nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong vùng, du lịch Đông Nam Bộ sẽ vươn tầm trở thành hình mẫu về liên kết du lịch của cả nước và gặt hái được nhiều “trái ngọt”.

TRẦN HIỀN

 

;
.