Vào dịp cuối năm, do công việc bận rộn, không có nhiều thời gian rảnh rỗi, việc mua bán thực phẩm qua mạng được xem là một cứu cánh mang lại nhiều tiện ích với những người nội trợ. Người tiêu dùng chỉ cần gõ từ khóa “thực phẩm online” trên mạng xã hội (như facebook, zalo, các trang rao vặt…) là có thể thỏa mãn việc mua sắm thực phẩm, rau củ quả tươi sống, đồ ăn chế biến sẵn… cho nhu cầu bữa ăn của mọi gia đình.
Phương thức mua bán thực phẩm online trên các trang web thương mại điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh trong khoảng 3-4 năm gần đây, do sự phong phú về hình thức, đa dạng về sản phẩm và tiện lợi cho người tiêu dùng, nên thu hút đông đảo chị em nội trợ thuộc mọi lứa tuổi, thành phần.
Dạo một vòng “chợ ảo” thực phẩm online, khách hàng có thể mục sở thị vô số những sản phẩm được trưng bày bằng những hình ảnh sống động và lời mời chào hấp dẫn: Nào là hàng hải sản tươi ngon, không chất bảo quản; nào là thịt heo vừa ra lò, bảo đảm chất lượng, không chất tạo nạc; nào là cơm hộp văn phòng giàu dưỡng chất, ngon, rẻ; rồi nào bánh, nào đồ uống… làm cho thực khách không cưỡng nổi nhu cầu. Bên cạnh các món ăn bình dân là những loại đặc sản cao cấp đến từ mọi vùng miền, chỉ cần a lô hoặc nhấp chuột là có.
Nhưng không như khi mua hàng trực tiếp tại các chợ dân sinh (người tiêu dùng có thể tận mắt nhìn thấy việc chế biến, cân đong, đóng gói tại các cơ sở sản xuất hoặc tại các cửa hiệu), khi mua bán thực phẩm online khách hàng chỉ nhìn và ngắm qua mạng, chất lượng sản phẩm “được” chủ gian hàng cam đoan trực tuyến bằng webcam hoặc bằng hình ảnh… nên rất khó kiểm chứng. Chính vì vậy, đã có không ít khách hàng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi sản phẩm đến tay mà không giống như hình ảnh quảng cáo trước đó; thậm chí, chất lượng sản phẩm còn khác xa với những lời đường mật khi họ rao bán.
Muốn đổi hàng cũng không được, trả lại sản phẩm lại càng không, vì không ít địa chỉ của các quầy giao dịch thực phẩm online không tồn tại trong thực tế, hoặc không có hóa đơn, chứng từ để làm cơ sở kiện tụng, xử phạt. Qua khảo sát về phương thức kinh doanh thực phẩm online, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại nhiều địa phương cho biết, có không ít cơ sở kinh doanh thực phẩm online hoạt động chui, không có giấy phép kinh doanh, thực phẩm chế biến chưa có giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, việc mua bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người mua và người bán. Do đó, người tiêu dùng nên thận trọng cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ăn ngay, ăn nhanh. Bởi quá trình vận chuyển những loại thực phẩm đó thường không được bảo quản trong những dụng cụ chuyên dụng theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể sẽ bị nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp.
Các cơ quan chức năng, các lực lượng quản lý thị trường đã nhiều lần ra quân, quyết liệt điều tra, theo dõi và xử lý những địa chỉ bán hàng thực phẩm online không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xử lý những vi phạm này chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa” và gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định chủ thể bán hàng, vì địa chỉ kinh doanh ghi trên mạng và địa chỉ thật hoàn toàn khác biệt, thậm chí trong vùng không tồn tại cơ sở sản xuất, địa chỉ bán hàng như đã quảng bá.
Trong xu thế thương mại điện tử lên ngôi, việc mua bán thực phẩm online được dự báo là có nhiều dư địa rộng mở. Do vậy, để việc mua bán thực phẩm online mang đến cho người tiêu dùng những lợi ích thiết thực, Cục Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo người dân nên chọn mua hàng từ những địa chỉ, sản phẩm có đăng ký với cơ quan chức năng địa phương. Khi mua hàng, cần lựa chọn những tài khoản có lịch sử bán hàng uy tín, tránh mua hàng trôi nổi. Đồng thời, người tiêu dùng cần đối chiếu thông tin hàng hóa với đơn hàng đã đặt để không bị nhầm chủng loại hoặc nhận hàng không đúng với số lượng, chất lượng sản phẩm đã đặt mua.
HOÀNG LÊ