Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút mới trên địa bàn tỉnh đạt 893,1 triệu USD và vốn đăng ký tăng thêm 508,3 triệu USD; vốn đầu tư trong nước thu hút mới 13.822,6 tỷ đồng và tăng thêm 14.873 tỷ đồng. Quy đổi tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước thu hút mới và tăng thêm trong năm 2023 đạt khoảng 61.628,5 tỷ đồng, tương đương 2,52 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ và đạt 148,6% kế hoạch năm 2023 (Nghị quyết năm 2023 thu hút khoảng 1,7 tỷ USD), có tác động tích cực vào nền kinh tế của tỉnh.
Trong bối cảnh khó khăn chung, kết quả trên cho thấy sự nỗ lực vào cuộc cũng như quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của tỉnh về thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó có vai trò của Tổ công tác đặc biệt của tỉnh khi kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, DN, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn trong và ngoài nước.
Với việc chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo hướng chuyển từ “lượng” sang chú trọng vào “chất” và có chọn lọc, Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng bước đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Đáng chú ý, cùng với quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương, kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, đến nay những dự án thu hút mới đều đáp ứng được các tiêu chí như có công nghệ cao, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, sử dụng ít năng lượng. Điều này đã giúp Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ loại bỏ được các dự án ảnh hưởng đến môi trường, mà tạo ra được một hệ sinh thái công nghiệp xanh, có tính lan tỏa mạnh mẽ. Dẫn chứng từ một số dự án như Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Hyosung, LNG Thị Vải…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, “xanh” hóa dòng vốn đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngoài việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước không thể không nói đến vai trò của DN. Đặc biệt, ở đây phải nói đến vai trò của chủ đầu tư phát triển KCN phải là cánh tay nối dài của Nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Đơn cử như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 hiện đã đáp ứng hết tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, KCN xanh, kinh tế tuần hoàn...
Trong đó, khi xác định muốn thu hút nhà đầu tư quy mô vốn lớn thì hạ tầng tại đây cũng đạt chuẩn quốc tế. Đến nay, KCN này đã thu hút được 3 tỷ USD vốn FDI. Suất đầu tư thu hút trên 1ha đất công nghiệp của mỗi DN kêu gọi khoảng 8,5 - 9 triệu USD. Một số DN thứ cấp trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải còn sản xuất theo hướng tuần hoàn.
Chủ đầu tư một KCN trên địa bàn tỉnh cho hay, khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng 17 tiêu chí mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra. Trong đó, phải đáp ứng các yếu tố như kiểm soát, giảm thải khí thải, sản xuất không gây ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, có trách nhiệm với xã hội, với người lao động và quản trị minh bạch... Ngay từ đầu, nếu đặt mục tiêu tiếp cận các tiêu chí trên thì chắc chắn DN sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc khi thu hút dòng vốn đầu tư xanh, ở đó bao gồm cả sự trợ lực bền vững trong quá trình hoạch định chính sách.
NGÔ GIA