Thói quen mới tốt đẹp

Thứ Năm, 28/12/2023, 17:56 [GMT+7]
In bài này
.

Sau khoảng thời gian Bộ Công an và lực lượng công an các địa phương quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn trên tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, văn hóa tiệc tùng đã có sự chuyển biến rõ rệt.

Trước đây, khi ngồi vào bàn tiệc, hầu như ai cũng uống rượu, bia vì không nỡ từ chối lời mời của bạn bè, đồng nghiệp hay chủ nhân bữa tiệc. Người không uống được cũng vui vẻ nhấp môi vài ly, còn người uống được thì sẵn sàng tâm thế “say tới bến”, sau đó vẫn vô tư điều khiển phương tiện giao thông ra về. Lái xe sau khi uống rượu, bia đã được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.

Nhưng nay, văn hóa uống rượu, bia đã có sự thay đổi rõ rệt theo đúng tinh thần “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Tiệc cưới, giỗ chạp hay tổng kết năm, sinh nhật... ai có đi xe cũng dễ dàng từ chối với lý do rất chính đáng: Sợ bị công an thổi nồng độ cồn. Trên thực tế, nhiều người đã bị xử phạt tiền và kèm chế tài rất nặng nên gần như ai cũng phải tự dặn lòng mình trước khi nâng ly. Những câu chuyện kiểu như “Hôm qua anh A., công tác ở đơn vị B. bị “thổi” mà cầu cứu khắp nơi không được. Mức phạt tiền kịch khung, còn bị giữ bằng lái 24 tháng”, được loan truyền đầy trên các nhóm zalo hay bên bàn cà phê sáng đủ khiến người ta phải cân nhắc trước khi nâng ly.

Do vậy, bạn bè cũng không còn ép nhau “chén chú chén anh”, khích bác nhau uống đến say mèm như trước, thay vào đó là thái độ thông cảm. Người cẩn thận hơn còn nhắc bạn có đi xe thì đừng uống, lỡ bị “thổi” lại phiền phức, còn nếu vui mà uống thì nên gửi lại xe, bắt taxi về hay gọi người nhà ra đón. Trên bàn tiệc có khi cả nửa bàn uống nước lọc, nước ngọt thay bia, rượu nhưng không vì thế mà kém vui.

Có ý kiến cho rằng việc tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn gây ra thiệt hại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ quán ăn, nhà hàng và cả các nhà sản xuất bia, rượu, thậm chí là gây thiệt hại cho ngành du lịch. Thực tế có như vậy không, cần có cuộc khảo sát toàn diện. Bởi lẽ, hàng quán vắng khách, sức tiêu thụ bia, rượu giảm sút dẫn đến nộp thuế giảm không phải hoàn toàn do người dân sợ bị xử lý vi phạm nồng độ cồn. Cần biết rằng, 2 năm qua, kinh tế thế giới và trong nước bị ảnh hưởng nặng nề do giai đoạn hậu dịch COVID-19 và xung đột chính trị, vũ trang tại một số quốc gia. Trong nước, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm việc làm. Người lao động bị mất việc, mất hoặc giảm thu nhập, cộng với kinh tế khó khăn nên phải “thắt lưng buộc bụng”. Bia, rượu không phải là nhu cầu thiết yếu nên dĩ nhiên sẽ là mặt hàng ưu tiên cắt giảm trong ngân sách tiêu dùng.

Chính sách nào cũng cần có thời gian để đi vào cuộc sống. Thực tế đã chứng minh điều này. Nhiều người đã từng phản đối chỉ thị của Chính phủ về cấm đốt pháo nổ; phản đối quy định bắt buộc người ngồi trên xe máy khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm; phản đối quy định xe máy phải có gương chiếu hậu... Thế nhưng, qua thời gian, những quy định đó đã cho thấy sự đúng đắn là mang lại sự an toàn cho người dân. Giờ đây, ai ngồi xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm sẽ cảm thấy mình lạc lõng.

Cần phải hiểu rõ quan điểm: Nhà nước chỉ cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, chứ không cấm uống rượu, bia. Cuối năm và giáp Tết, hội nghị, đình đám nhiều, khó tránh khỏi tiệc tùng liên hoan, tất niên. Nhưng chúng ta có nhiều sự lựa chọn: uống nước thay bia hoặc uống bia rồi thì gửi xe lại quán, hoặc thuê người chạy xe về, hoặc gọi người đến đón...

Thay đổi một thói quen cũ là rất khó, hình thành một thói quen mới còn khó hơn. Vậy mà thói quen uống nước thay bia trên bàn tiệc dường như đang nhanh chóng hình thành một cách thuận lợi, vì nó mang đến nhiều cái lợi: lợi cho sức khỏe, lợi cho túi tiền bản thân và còn lợi cho cả cộng đồng xã hội!

NGUYỄN ĐỨC

;
.