Lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu
5 giờ chiều, sau giờ tan ca ở một công ty may gia công, chị Trần Thị Hằng lại vội vã về nhà, không kịp thay đồ mà tất bật soạn hàng để giao cho khách. 30 phút sau, chiếc xe máy đã treo kín túi ni lông đựng đủ thứ thực phẩm. Túi này là cá để giao cho khách ở chung cư Phoenix, túi kia là đậu phộng giao cho khách ở đường Nguyễn An Ninh. Chiếc sọt nhựa lớn cột phía sau yên xe còn đựng nhiều túi hàng khác. Có hơn 10 đơn mua hàng nên chị phải tranh thủ đi giao cho khách kịp nấu bữa cơm tối.
Hơn 2 năm qua, chị Trần Thị Hằng đã phải làm thêm bằng việc buôn bán mặt hàng thực phẩm được vận chuyển từ quê Nghệ An vào. Từ lươn đồng ướp sẵn, cá diếc, cá thu nướng, mật mía, tương Nam Đàn đến các loại rau như su hào, hành tăm… “Lương không đủ trang trải cuộc sống nên tôi phải tranh thủ buôn bán thêm, năm sau con trai lớn chuẩn bị vào đại học nữa thì chi phí càng tăng cao”, chị Hằng cho hay.
Theo tính toán của chị Hằng, mỗi tháng lương của chị chỉ được 5 triệu đồng do công ty thiếu đơn hàng, phải thay nhau nghỉ luân phiên. Chồng chị là công nhân vận hành dây chuyền sản xuất thép, lương 8 triệu đồng/tháng. Chi phí cho 2 con đang học lớp 12 và lớp 8 đã quá số lương của chị. Số còn lại dành cho thuê trọ, ăn uống, hiếu hỉ… trong sự chắt bóp, thiếu thốn thường xuyên.
Chị Trần Thị Hằng có lẽ là một trong số nhiều lao động nằm trong cuộc khảo sát nửa đầu năm 2023 của Công đoàn Việt Nam. Con số thống kê từ cơ quan này cho thấy, thu nhập bình quân của công nhân chỉ đáp ứng khoảng 70% chi tiêu của gia đình họ. Trong khi đó, mức chi tiêu của người lao động đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả sinh hoạt, tiền điện, nước tăng cao.
Chị Hằng và nhiều công nhân lao động khác có thể sẽ vơi bớt nỗi lo nếu nghe được thông tin, ngay trong sáng 20/12, 16/16 thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu tăng thêm 6%, tăng 200 -280 ngàn đồng tùy vùng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024.
Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 (cùng thời điểm với cải cách tiền lương khu vực nhà nước).
Trong bối cảnh trượt giá ngày càng tăng, việc Hội đồng Tiền lương quốc gia có sự thống nhất cao trong việc chốt phương án tăng lương cho người lao động đã khẳng định, đây là việc làm rất cần thiết và phù hợp. Khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện tháng 11 vừa qua trên 3.100 người thuộc các ngành nghề, loại hình sở hữu, quy mô lao động tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, có 21,4% người lao động phản ánh rằng mức lương tối thiểu hiện nay và của những năm trước không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá. Trong khi đó, 26,8% cho biết mức lương tối thiểu quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và hơn 10% cho rằng mức lương hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.
Khảo sát trên cũng phản ánh một thực tế là, cải thiện đời sống người lao động sẽ cần phải có nhiều chính sách song hành. Ngoài tiền lương thì chính sách đãi ngộ, phúc lợi xã hội… cũng là những vấn đề mà DN phải lưu ý. Nhưng trước hết, việc tăng lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, bao gồm ăn uống, sinh hoạt, chăm lo cho con cái… Khi đó, việc tăng lương sẽ có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là những lao động như chị Trần Thị Hằng kể trên sẽ không phải tất bật làm thêm mà dành khoảng thời gian đó để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, học tập nâng cao tay nghề để cống hiến, xây dựng đưa DN ngày càng phát triển.
NGÔ GIA