Nhìn từ câu chuyện 'zero' nồng độ cồn

Thứ Sáu, 08/12/2023, 17:30 [GMT+7]
In bài này
.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc đã có ý kiến thảo luận về việc Quốc hội cần xem xét lại quy định về nồng độ cồn (NĐC) cho người tham gia giao thông. Đại biểu cho rằng, các nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy có nhiều trường hợp không sử dụng rượu, bia trong ngày hoặc trong thời gian gần với thời gian khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng do cơ thể sinh học đào thải kém thì trong hơi thở vẫn có thể có NĐC ở mức thấp nhưng trạng thái tinh thần vẫn bình thường. Hay mới đây, đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn về việc CSGT đo NĐC cả ngày lẫn đêm sẽ vô tình gây xáo trộn hoạt động của người dân. Một số nhà hàng tại Hà Tĩnh đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh xin nới lỏng đo NĐC để lượng khách không bị sụt giảm, làm ảnh hưởng đến doanh thu dịch vụ du lịch…

Tất cả những điều đó cho thấy quy định về NĐC khi điều khiển phương tiện giao thông sau một thời gian triển khai ráo riết có tác động rất lớn và trực tiếp đến nhiều đối tượng. Theo kinh nghiệm trên thế giới, ngoại trừ một số quốc gia áp dụng 1 mức chung cho tất cả, đa số quốc gia đều chia giới hạn NĐC theo đối tượng: Mức chuẩn, người lái xe thương mại (taxi, xe buýt, lái xe thuê) và người mới lái xe. Tại châu Âu, điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia hoặc khi vẫn còn NĐC trong máu, hơi thở hoàn toàn bị cấm ở bốn quốc gia gồm: Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Romania. Các quốc gia khác có quy định nới lỏng hơn một chút với tỷ lệ không được vượt quá 0,2g trên mỗi lít máu, đó là Estonia, Thụy Điển và Ba Lan.

Khác với các quốc gia phát triển nói trên, hệ thống cơ sở vật chất giao thông đường bộ ở nước ta chưa đáp ứng và ý thức chấp hành giao thông của người dân chưa nghiêm. Hành vi chạy xe tạt đầu, xi nhan phải nhưng rẽ trái hoặc quay đầu, vượt đèn đỏ là không hiếm. Đơn cử, tại Quốc lộ 51, qua khảo sát của cơ quan chức năng Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều đoạn đường đi qua tỉnh bị xuống cấp, ứ đọng nước trong làn xe cơ giới, mặt đường bị “ổ gà”, vạch kẻ phân cách mờ, mất đường kẻ. Lưu lượng xe qua đây thì quá tải gấp đôi so với thiết kế, cộng thêm tình trạng chạy lấn làn, tạt đầu xe của những tài xế vô ý thức, khiến cho nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ này.

Tình trạng giao thông như vậy đòi hỏi tài xế phải phản xạ nhanh hơn. Mà khi đã có một chút rượu bia trong người thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng phản xạ của tài xế là điều khó tránh khỏi. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt. Đó là vì đã uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nên NĐC vẫn không giảm về 0 và khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn có khả năng gây ra nguy hiểm. Hay việc cho rằng sử dụng nước trái cây lên men vẫn đo ra NĐC sẽ dẫn tới phạt oan cho người điều khiển phương tiện. Việc nhầm lẫn này đã bị phủ định bởi Bộ Y tế đã đưa ra minh chứng NĐC do nước trái cây sẽ giảm rất nhanh khi kiểm tra lại sau đó 5-10 phút. Trên thực tế, CSGT khi làm nhiệm vụ cũng không cứng nhắc việc đo NĐC mà có linh hoạt, tạo điều kiện để người điều khiển xe được giải trình, chứng minh và chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì “uống nước trái cây lên men”.

Trở lại với vấn đề doanh thu du lịch, việc kinh doanh hàng quán phục vụ du khách nếu thiếu rượu bia thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu. Dù vậy, vẫn có những cách làm hay để “cứu cánh” cho vấn đề này. Chẳng hạn, tại TP.Vũng Tàu, một số nhà hàng đã tổ chức giữ xe qua đêm cho khách và đưa khách về nhà nếu khách có uống rượu bia. Nhiều gia đình, nhóm bạn cũng rủ nhau đi taxi đến nhà hàng, quán ăn để có thể cùng nhau “nâng chén” mà không lo ngại về NĐC. Quy định “zero” NĐC cũng đang dần thay đổi thói quen của người Việt trong văn hóa rượu bia. Mọi người sẽ chừng mực hơn, không còn cảnh “ép nhau” hay hơn thua vì “độ rượu”. Mọi người dễ dàng từ chối 1 ly rượu để về nhà an toàn hơn, mà không cần cả nể, sợ mất lòng nhau.

NGUYỄN THI

;
.