Lối ra mới nâng cao chất lượng nhân lực

Thứ Sáu, 29/12/2023, 18:09 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây vài tuần, cậu em trai út của tôi bay về từ Nhật Bản để lập gia đình sau 7 năm làm việc tại đây theo chương trình thực tập sinh.

Cậu út ngày nào còn bé bỏng, khi chia tay để qua xứ người làm việc dưới dạng lao động xuất khẩu còn ôm lấy từng người mà khóc. Ai cũng băn khoăn bởi lúc ấy cậu em tôi vừa học xong phổ thông, "trói gà còn chưa chặt" nên không biết sẽ tự xoay xở như thế nào ở nơi xa xôi, lạ lẫm ấy. Vậy mà, cậu út đã kiên định "bám trụ" suốt 7 năm qua, chưa một lần về nước do muốn tích cóp kinh nghiệm làm việc và có chút vốn liếng để sớm tự lập, lo cho gia đình nhỏ. Em tôi chững chạc, trưởng thành thấy rõ trong cách ứng xử, tác phong và kỷ luật sinh hoạt.

Em tôi, từng là học sinh giỏi của một trường làng ở vùng đất có tiếng hiếu học của miền Trung. Thay vì lựa chọn thi đại học như bạn bè cùng trang lứa, em tôi đã đăng ký chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản ngay sau khi vừa tốt nghiệp THPT. Em tôi cho rằng, ba mẹ còn khó khăn về kinh tế, tuổi cũng không còn trẻ, mà phải lo toan tận 4-5 năm trời em học đại học thì quá chật vật, chi bằng để em đi xuất khẩu lao động, cũng là cơ hội học nghề lại có thu nhập khá.

Lựa chọn của em trai tôi đã rất đúng đắn, bởi sau 7 năm được lao động, làm việc và đào tạo ở Nhật Bản, em tôi không chỉ có số vốn nhất định, mà còn có tay nghề, kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, kỷ luật cao. Từ nền tảng đó, em tôi có thể dễ dàng xin việc ở các doanh nghiệp Nhật Bản ngay tại quê nhà và chắc chắn mức lương cũng tương xứng với chuyên môn mà em có được sau 7 năm xa nhà.

Ở miền Trung quê tôi, nơi được cho là “đất chật, người đông” nên xuất khẩu lao động có sức hút khá lớn đối với thanh niên, đặc biệt với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xuất khẩu lao động trong nhiều năm qua đã là một trong những lựa chọn để thoát nghèo ở các vùng quê. Và hơn thế nữa, xuất khẩu lao động còn được coi là kênh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động khi người lao động được cầm tay chỉ việc, đào tạo trực tiếp về kỹ năng ngay tại các nhà máy, công ty có quy mô ở các nước phát triển. Thậm chí, ngay cả xuất khẩu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được đánh giá cao khi trong quá trình làm việc, người lao động được tiếp xúc với công nghệ, kỹ thuật cao để có thể áp dụng khi trở về nước.

So với những năm trước, sức hút của xuất khẩu lao động cũng đã dần lan tỏa ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2010-2017, cả nước có 821.862 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính đến đầu năm 2019, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề. Gần đây hơn, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 người, gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 65,72% kế hoạch của năm 2023. Cũng theo thống kê của Bộ LĐTBXH, lao động phổ thông hiện vẫn chiếm tới gần 50% lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nếu như trước đây, người lao động Việt Nam chủ yếu đi làm việc ở Đông Âu, thì hiện nay điểm đến của người lao động lại chủ yếu là các nền kinh tế phát triển trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu lao động cũng đã có tín hiệu khởi sắc khi người lao động quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện thu hút khá đông các dự án đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy thì, việc kết nối thị trường xuất khẩu lao động ở các nước này cũng đồng nghĩa với việc tăng cơ hội đào tạo, nâng cao chất lượng lao động cho tỉnh nhà nhằm đáp ứng nguồn lực trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp ở các nước phát triển sẽ giúp người lao động giàu có hơn về kiến thức cũng như trải nghiệm sống; chuyên nghiệp hơn và duy lý hơn về ý thức, tác phong, lối sống và cung cách làm việc. Những sự thay đổi này không chỉ tốt cho bản thân người lao động, mà cả các thế hệ sau của họ. Đó là cách nhìn mới, một lối ra mới trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

HẠ VY

;
.