Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục nói chung và công tác quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) tại nhiều địa phương vẫn đang loay hoay gỡ vướng cho hoạt động này mà chưa có phương án khả thi. Mới đây, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đồng tình với đề xuất đưa DTHT vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để có cơ sở pháp lý xử lý vi phạm bên ngoài trường học.
Sau gần 5 năm, từ năm 2019 đến nay, khi Luật Đầu tư xếp DTHT không còn nằm trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định (như điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 (do Bộ GD-ĐT ban hành) không được thực thi. Tuy nhiên, một số quy định khác của Thông tư 17 vẫn có hiệu lực, như quy định về nguyên tắc DTHT, các trường hợp không được DTHT, trách nhiệm quản lý DTHT của các địa phương, cơ sở giáo dục. Theo đó, “cấm” DTHT ở các trường học 2 buổi/ngày và với cấp tiểu học; không cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa; đối tượng học thêm là những học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Đồng thời, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan, đơn vị của giáo viên đó.
Với những quy định còn hiệu lực thi hành tại Thông tư số 17 nhằm bảo đảm khi thực hiện các nhiệm vụ nhà trường, giáo viên phải dạy đủ các chương trình, nội dung cho học sinh, tránh trường hợp giáo viên dạy chưa hết yêu cầu theo kế hoạch giáo dục, mà lại mở lớp dạy thêm, cho dù học sinh tự nguyện đăng ký học.
Quy định là vậy, nhưng trong thực tế tình trạng DTHT đã và đang diễn ra ở nhiều cơ sở giáo dục, tại các địa phương và bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Đây đó, dù đã học bán trú 2 buổi/ngày, nhiều học sinh tiểu học vẫn đi học thêm buổi tối tại nhà giáo viên chủ nhiệm; ở các cấp học khác, việc DTHT còn tràn lan và phổ biến hơn.
DTHT luôn là vấn đề “nóng” trên các diễn đàn và dư luận xã hội. Vì sao học sinh học thêm? Vì sao phụ huynh cho con đi học thêm? Có nhiều cách trả lời cho những câu hỏi này, nhưng tựu trung là trên lớp học sinh học nhiều nhưng không hiểu, bài bị điểm thấp, do áp lực thi cử; còn phụ huynh muốn con thi đậu trường tốt, có thành tích cao và đôi khi cũng theo trào lưu “cho bằng chúng, bằng bạn”.
Giải trình bằng văn bản về DTHT được gửi cho các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nguyên nhân là do tác động của những mặt trái cơ chế thị trường trong quá trình tổ chức DTHT ngoài nhà trường và do thu nhập thấp khiến một bộ phân giáo viên phải dạy thêm. Bên cạnh đó, do cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên công tác kiểm tra, giám sát hoạt động DTHT chưa chặt chẽ, xử lý các bất cập của hoạt động này chưa kịp thời, hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội chưa vào cuộc quyết liệt nên hiệu quả quản lý không cao, thậm chí còn tình trạng bệnh thành tích từ phía gia đình nên ép con em đi học thêm.
Thực tế cho thấy, DTHT là một nhu cầu được nhiều phụ huynh và giáo viên quan tâm. Khi chưa được xếp vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc quản lý hoạt động DTHT ở các địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Việc Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ trình Quốc hội đưa hoạt động DTHT vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, là cơ sở để Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17, nhằm bảo đảm sự phù hợp với thực tế hiện nay và tạo thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường của các địa phương và cơ sở giáo dục. Đồng thời, phát huy được nguồn lực của những giáo viên giỏi, có uy tín được phụ huynh, học sinh tín nhiệm nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
HOÀNG LÊ