Đừng hoài cổ với pháo nổ

Chủ Nhật, 24/12/2023, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng chức năng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển và tàng trữ pháo trái phép. Thêm một lần nữa, dịp Tết lại làm dấy lên nỗi lo về việc sử dụng pháo trong dân cư. Các đối tượng mua bán, đương nhiên, phải tìm cách giấu giếm pháo ở những nơi khó phát hiện. Thường sẽ là những chỗ lẩn khuất, dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Ngày 8/8/1994, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 406-TTg áp dụng lệnh cấm việc sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Thời điểm đó, Chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành được xem là Chỉ thị lịch sử vì đã làm thay đổi một thói quen, từng là nét văn hóa, tồn tại hàng trăm năm đối với người Việt.

Lúc khởi đầu, nhiều người chưa hẳn đã cảm thấy dễ chịu với lệnh cấm pháo. Tết mà pháo không nổ đì đùng ở làng trên xóm dưới, thì cứ như thể thiêu thiếu điều gì. Nhưng rồi, thói quen cũng dần thay đổi. Gần 30 năm trôi qua, lệnh cấm pháo đã chứng tỏ tính đúng đắn, phù hợp. Cấm pháo vừa tránh hao tổn tiền của trong dân, vừa tránh được tai nạn liên quan đến pháo. Mà có thời điểm, thống kê chỉ ra, số vụ tai nạn liên quan đến pháo lên tới cả ngàn vụ mỗi năm.

Hình ảnh những băng pháo, cuộn pháo gác trên gác bếp để nổ cho đanh, cho giòn… vào thời khắc giao thừa, trở thành chuyện của quá khứ. Theo thời gian, cuộc sống văn minh lên, phần lớn người dân đều quên pháo. Cũng như việc những bếp củi xưa cũ, đã dần thay thế bởi bếp gas, bếp từ.

Nhưng có người vẫn cứ đeo đẳng sở thích đốt pháo - mà bây giờ - đã thuộc phạm trù vi phạm pháp luật. Mới đây, trong vụ phát hiện đối tượng tàng trữ pháo trái phép ở Long Điền, người này cho biết, trữ pháo để bán lại cho các chủ ghe. Không biết lời khai đó thật giả thế nào, nhưng rõ ràng, có người mua thì mới có kẻ bán. Mà đương nhiên, mua pháo về thì chẳng dùng được vào việc gì khác, ngoài việc đưa ra đốt lấy vui.

Trên thực tế, ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biên giới trên bộ, chuyện pháo nổ tưng bừng trong dịp Tết vẫn còn. Thậm chí có địa phương để tình trạng kéo dài từ năm này qua năm khác, bị Chính phủ nhắc nhở, điểm tên. Điều đó chứng tỏ, mức độ quản lý để thực thi lệnh cấm pháo ở một số địa bàn dân cư còn có dấu hiệu buông lỏng, hoặc chưa tìm được giải pháp triệt để.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, việc thực thi lệnh cấm sản xuất và đốt pháo nhìn chung được triển khai nghiêm túc. Hầu hết người dân rất ý thức tuân thủ quy định về việc không đốt pháo trong các sự kiện, lễ tết.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền trong tỉnh cũng cố gắng tạo ra nhiều điểm sinh hoạt công cộng để nhân dân chào đón giao thừa. Riêng Tết Giáp Thìn năm nay, dự kiến, tại tất cả huyện, thị thành, sẽ có bắn pháo hoa chào năm mới. Thậm chí, tại TP. Vũng Tàu sẽ có tới 2 địa điểm bắn pháo hoa cùng lúc phục vụ nhân dân.

Chuẩn bị đón năm mới, với rất nhiều sự kiện lành mạnh, nhiều địa điểm xem bắn pháo hoa vừa an toàn, vừa đẹp mắt. Thế nên, không hiểu tại sao còn có người cứ phải dấn vào sở thích mang tính “hoài cổ”, để rồi lại vướng vào những rắc rối không đáng có.

HOÀNG NAM

;
.