Dự báo về một ngành "hot"

Thứ Ba, 19/12/2023, 18:28 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với đại diện một số doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về phát triển công nghệ vi mạch bán dẫn. Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển ngành vi mạch bán dẫn là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, với xuất phát điểm là một quốc gia đang phát triển, và chỉ mới bắt đầu bước vào cuộc đua trong ngành bán dẫn, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là nguồn nhân lực. Cụ thể hơn, Việt Nam hiện đang thiếu khoảng 5.000 - 10.000 kĩ sư/năm trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này vào khoảng 20.000 người.

Bà Rịa-Vũng Tàu là 1 trong 3 địa phương (cùng với Đồng Nai, Bình Dương) sẽ là Vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Đông Nam Bộ. Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, mục tiêu đến 2030, Vùng động lực có 8.000 DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, có 120.000 nhân lực CNTT, trong đó tập trung nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp phần cứng điện tử (sản xuất vi mạch bán dẫn, sản xuất thiết bị IoT, AI) và triển khai, vận hành trung tâm dữ liệu. Trong đó, sẽ hình thành, phát triển trung tâm dữ liệu vùng tại Bà Rịa- Vũng Tàu.

Với xu hướng phát triển ngành vi mạch bán dẫn của cả nước, đặc biệt khu vực kinh tế năng động Đông Nam Bộ trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, thì đây sẽ là ngành học mới “hot” nhất hiện nay và trong giai đoạn tiếp theo. Để đón đầu xu hướng, nhiều trường đại học cho biết đã và đang sẵn sàng đào tạo lĩnh vực này.

Trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng khung chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tiên tiến ngành thiết kế vi mạch và triển khai đào tạo trên 1.500 kĩ sư và 500 thạc sĩ trong giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kĩ sư. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có một số ngành đào tạo có chuyên ngành thiết kế vi mạch bậc ĐH và sau ĐH. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM có ngành kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo kĩ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng. Đặc biệt từ năm nay, trường đã cho phép tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành thiết kế vi mạch trình độ ĐH.

Ngoài ra, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành này trong năm tới; Trường ĐH CMC dự kiến năm 2024 sẽ mở thêm ngành, chuyên ngành thiết kế vi mạch nhằm cung cấp nhân lực thiết kế vi mạch theo tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam và của thị trường toàn cầu; Trường ĐH FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Chỉ còn mấy tháng nữa là HS THPT sẽ bước vào giai đoạn “đặt bút” lựa chọn ngành nghề, trường để đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm học 2023-2024. Cùng với các ngành thế mạnh của tỉnh như công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch… thì ngành vi mạch, bán dẫn sẽ là ngành thế mạnh mới mà các thí sinh nên quan tâm, nhất là với các bạn trẻ yêu thích ngành này và có mong muốn làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh lân cận.

MINH THIÊN

;
.