Để bệnh nhân không còn lo!

Thứ Sáu, 15/12/2023, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Thông tư quy định thanh toán trực tiếp chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, người dân mua thuốc BHYT ngoài viện có thể được cơ quan bảo hiểm hoàn tiền trong khoảng 40 ngày nếu đủ điều kiện. Dự thảo được xây dựng trong bối cảnh tình trạng thiếu thuốc kéo dài, để người dân đi khám chữa bệnh bằng BHYT phải tự mua thuốc điều trị.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về một số điều kiện để Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người bệnh có thẻ. Theo quy định, bệnh nhân chỉ được thanh toán khi mua thuốc vật tư y tế ở hai địa chỉ: một là nhà thuốc của viện nơi người bệnh điều trị; hai là đơn vị cung ứng đáp ứng các điều kiện như đã trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Thuốc được sử dụng và thanh toán cho người bệnh có thẻ BHYT tại bệnh viện nơi đơn vị cung ứng trúng thầu. Ngoài ra, hợp đồng thầu cung ứng thuốc, vật tư y tế còn hiệu lực. Để được thanh toán BHYT, người mua cần xuất trình với cơ quan BHXH đơn thuốc, vật tư y tế được bác sĩ chỉ định, hợp lệ để làm căn cứ thanh toán.

Rất nhiều thủ tục như vậy, khiến bệnh nhân rất khó được thanh toán. Lấy một ví dụ đơn giản như khi ra ngoài mua thuốc, người bệnh làm sao lựa chọn được nhà thuốc nào là đơn vị đáp ứng các điều kiện như đã trúng thầu với cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Giấy tờ, hóa đơn nào để chứng minh? Rồi làm thủ tục thanh toán ở đâu?...

Các chính sách mới đây của Chính phủ cho Bộ Y tế về đấu thầu thuốc, vật tư y tế đã tháo gỡ hầu hết những khó khăn do chủ quan. Phần lớn bệnh viện hiện nay đã có đủ thuốc trong BHYT cho người bệnh. Số lượng thuốc và vật tư trong BHYT mà người bệnh phải tự mua còn rất ít. Riêng Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức đấu thầu tập trung mua hơn 1.400 danh mục thuốc gần 1.300 tỉ đồng, đảm bảo đủ cho các cơ sở y tế công lập trong năm 2024 và 2025.

Dù vậy, dự thảo Thông tư trên vẫn có những giá trị lâu dài. Bởi trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực tài chính không đủ, Quỹ BHYT chỉ đáp ứng những chi phí cơ bản nhất, hướng tới số đông. Thuốc và vật tư y tế BHYT khi đấu thầu cũng phải “cân đo, đong đếm” để vừa “túi tiền” quỹ BHYT. Việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, “cung” không đủ “cầu” vẫn có thể tái diễn. Chưa kể việc cập nhật danh mục thuốc BHYT cho bệnh nhân ở Việt Nam còn rất chậm, thường phải mất từ 2-4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc BHYT.

Nếu dự thảo Thông tư được ban hành có hiệu lực trong thời gian tới, rõ ràng bệnh nhân mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài sẽ được hưởng thêm quyền lợi, được thanh toán phần thuốc, vật tư y tế với mức mà BHYT có thể chi trả. Còn về cách thức thanh toán, các nguyên tắc tài chính đều cần sự chặt chẽ. Thuốc nào được BHYT chi trả, thuốc nào không? Những thuốc không có trong danh mục BHYT nhưng cần thiết kê đơn cho bệnh nhân thì thanh toán ra sao? Giấy tờ nào chứng minh thuốc, vật tư được mua đúng bệnh?... Tất cả những thủ tục này cần được làm đơn giản, rành mạch, để người bệnh BHYT không gặp khó khi làm thủ tục thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế tự mua.

Điều quan trọng nữa là, vai trò của bác sĩ và bệnh viện nơi bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT cần phải hỗ trợ bệnh nhân làm các thủ tục thanh toán trên. Bởi, bác sĩ, nhân viên y tế phụ trách BHYT mới biết được danh mục thuốc nào được BHYT thanh toán, danh mục nào không. Các giấy tờ từ đơn thuốc cho đến hóa đơn chứng từ nằm viện cũng sẽ do bệnh viện chuyển cho cơ quan BHYT thanh toán, thay vì bệnh nhân phải tự lo tất cả. Nếu làm được điều này, bệnh nhân BHYT sẽ không phải bận tâm, hay lo lắng mất quyền lợi mỗi khi phải tự mua thuốc.

MINH THIÊN

;
.