Chuyển đổi số mạnh mẽ trong du lịch

Thứ Sáu, 15/12/2023, 14:41 [GMT+7]
In bài này
.

Sở Du lịch vừa “bấm nút” khai mạc “Hội chợ du lịch trực tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu 2023” trên sàn thương mại điện tử du lịch tại địa chỉ: dulichbariavungtau.com và dulich.baria-vungtau.gov.vn, sáng 13/12. Cách đây 2 năm, cũng vào thời điểm này, Bà Rịa-Vũng Tàu đã khởi động hội chợ du lịch trực tuyến lần đầu tiên với tinh thần ứng dụng chuyển đổi số tăng cơ hội hồi phục du lịch hậu dịch. Tiếp đó, năm 2022, hội chợ trực tuyến lần thứ 2 tiếp tục được mở nhằm kích cầu tiêu dùng mùa du lịch thấp điểm.

Thống kê từ Sở Du lịch, qua 2 lần hội chợ đã tiếp cận trên 2 triệu lượt người tiêu dùng, 909 sản phẩm được đặt mua, doanh số giao dịch trên sàn đạt khoảng 360 triệu đồng. Chưa kể, hàng ngàn cơ hội làm ăn, mối quan hệ gắn kết doanh nhân - doanh nghiệp, doanh nghiệp - khách hàng được mở ra sau khi kết thúc hội chợ.

Ở lần thứ 3 này, có hơn 600 DN đăng ký tham gia. Đáng chú ý, ngoài DN trong ngành du lịch bán tour tuyến, gói nghỉ dưỡng, hội chợ còn thu hút đa dạng DN tham gia chuỗi cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí, trải nghiệm, tiêu dùng… với khoảng 1.800 sản phẩm, mặt hàng.

Giới chuyên gia du lịch đánh giá, việc Bà Rịa-Vũng Tàu duy trì lịch tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến 3 năm liên tiếp không chỉ tạo ra bước tiến trong việc kết nối DN với thế giới mà còn thể hiện quyết tâm chuyển đổi số, xây dựng hình ảnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một điểm đến thông minh và hiện đại.

Từ năm 2020 đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã số hóa thông tin 170 di tích, danh thắng thông qua ứng dụng quét mã QR. Sở Du lịch đang tiếp tục khảo sát, bổ sung thêm những điểm đến mới kèm câu chuyện kể thổi hồn cho điểm đến.

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ thực tế ảo qua ứng dụng bản đồ 3D 3600 cũng được thực hiện ở một số điểm đến. Ngoài ra, một thành quả nổi bật trong ứng dụng số là thay đổi phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tinh giản hóa thủ tục giao dịch cũng phổ biến tại các cơ sở lưu trú trên toàn tỉnh. Nhiều khách sạn, resort đạt tỷ lệ thanh toán chuyển khoản hơn 80%.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số được coi là chìa khóa đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng tập trung vào nhiệm vụ đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, quản lý khách du lịch và hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và nền tảng công nghệ số.

Thực hiện chiến lược trên, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng, triển khai các dịch vụ, tiện ích quản lý và hỗ trợ du lịch thông minh”; tăng cường hợp tác, cập nhật thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch; huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các DN lớn trong việc marketing số cho điểm đến. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiểu biết về công nghệ cho đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch, kết nối chặt chẽ giữa ngành du lịch và công nghệ để thiết kế và xây dựng mô hình hoạt động mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển ngành và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số…

Với sự quyết liệt và giải pháp đồng bộ, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng ngày góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia và sự phát triển bền vững của ngành du lịch trong thời gian tới.

TRẦN HIỀN

 
;
.