Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về chính sách tiền lương GV chưa tương xứng, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong lộ trình cải cách tiền lương sắp tới, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Đây là tin vui cho GV cả nước.
Vui cho giáo dục mà ngẫm cho y tế. Hàng triệu y bác sĩ đang ngày đêm cống hiến sức lực, trí tuệ cho công việc nhưng chế độ tiền lương và đãi ngộ thì hoàn toàn cách xa. Để có được vị trí là bác sĩ, những sinh viên theo học ngành y phải qua quá trình thi cử, học tập gian khổ, khó khăn hơn rất nhiều những ngành nghề khác. Chi phí học ngành y cũng tốn kém hơn. Trầy trật 6,7 năm, các SV ngành y mới ra được trường, nhưng phải qua 18 tháng đi thực tập thì mới được chính thức nhận chứng chỉ hành nghề. Thế nhưng, mức lương nhận được lại không đủ trang trải mức sống tối thiểu.
Ở các nước phát triển khác trên thế giới, lương của bác sĩ nằm trong nhóm ngành nghề có thu nhập cao nhất. Điển hình như tại nước Anh, lương của bác sĩ chuyên khoa dao động ở mức 150.000USD/năm, còn lương bác sĩ đa khoa cũng tương đương khoảng 118.000USD/năm. Anh cũng là quốc gia hỗ trợ tài chính nhiều nhất cho sinh viên y. Hoặc như mức lương mỗi năm của bác sĩ tại Australia dao động khoảng 91.000 USD (đối với bác sĩ đa khoa) và 247.000 USD (đối với bác sĩ chuyên khoa).
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể cải cách tiền lương tăng thu nhập cho bác sĩ, nhân viên y tế khối công lập? Liệu có thể xếp ngang mức cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp như đối với giáo dục? Điều này là khó khả thi và tăng áp lực cho ngân sách. Chưa kể, các cơ sở y tế công lập đang phải tự chủ tài chính, việc tăng mức lương cơ sở cho y bác sĩ đồng nghĩa BV phải gánh áp lực rất lớn, trong khi giải pháp tài chính đang rất khó khăn. Các BV hoạt động rất chật vật, không có đủ kinh phí để có thể tăng chế độ thù lao cho đội ngũ y bác sĩ, khiến hàng loạt bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc.
Vấn đề mấu chốt để cải thiện tiền lương cho đội ngũ y bác sĩ đó là thu đúng, thu đủ giá viện phí. Theo lộ trình sắp tới, Bộ Y tế sẽ cơ cấu vào giá viện phí thêm một số dịch vụ y tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu chi trả của các cơ sở y tế, do viện phí vẫn chỉ dựa vào cơ cấu cũ là hai yếu tố gồm chi phí trực tiếp sử dụng cho khám chữa bệnh (thuốc, dịch truyền, bông băng...) và tiền lương. Trong đó, chỉ tăng chi phí tiền lương do mức lương cơ sở tăng mà chưa làm được khung giá khám bệnh chữa bệnh với đầy đủ yếu tố chi phí.
Khi giá viện phí được cơ cấu đủ các yếu tố chi phí khám chữa bệnh, trong đó đầy đủ tiền công cho y bác sĩ thì khi đó y bác sĩ mới được hưởng mức thù lao tương xứng. Có như vậy mới giải quyết được triệt để vấn đề thu nhập tương xứng cho y bác sĩ.
MINH THIÊN