Thêm cơ hội làm lại cuộc đời

Thứ Ba, 14/11/2023, 18:08 [GMT+7]
In bài này
.

Sau hơn một tháng triển khai Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22), đến nay cả nước đã có hàng trăm trường hợp được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) giải ngân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin từ NHCSXH tỉnh cho biết đã có 10 trường hợp được giải ngân với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, người thì có kế hoạch đầu tư chăn nuôi dê, người thì đầu tư buôn bán hàng may mặc, người thì dùng để làm vườn…

Vừa được NHCSXH giải ngân cho vay số tiền 80 triệu đồng, anh N. (huyện Xuyên Mộc) không khỏi xúc động. Anh N. tâm sự, số tiền này anh và gia đình sẽ đầu tư vào trồng tiêu. Anh sẽ cố gắng học tốt kỹ thuật chăm sóc để vườn tiêu tươi tốt, mang lại hiệu quả, trả nợ đúng hẹn với ngân hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng chính sách chia sẻ, thời gian qua, để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng. Tuy nhiên, trước Quyết định 22, chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, cũng như chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng chính sách tín dụng để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc.

Quyết định 22 là chính sách hỗ trợ đầu tiên và cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời, khuyến khích các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Vì vậy, ngay khi quyết định có hiệu lực, NHCSXH tỉnh đã triển khai về phòng giao dịch NHCSXH các địa phương để thực hiện.

Và để kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn cho những người đã chấp hành án tù xong, các phòng giao dịch NHCSXH địa phương đã nhanh chóng phối hợp với đơn vị liên qua rà soát các trường hợp bảo đảm đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn.

Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 100 triệu đồng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ.

Quyết định 22 cũng áp dụng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Nhóm này phải thỏa mãn điều kiện, được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù; có phương án vay vốn và được UBND cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận. Mức vốn vay đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù tối đa 2 tỷ đồng/dự án.

Trên thực tế, những người đã từng lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù thường khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, tìm công ăn việc làm để ổn định cuộc sống. Nhiều khi trong số họ, cũng vì không có việc làm, không có thu nhập nên có người đã tái phạm tội. Vì vậy, Quyết định 22 được xem là một chính sách nhân văn; giúp những người đã từng lầm lỡ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, có thêm cơ hội làm lại cuộc đời. Chính sách này cũng góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau của Đảng và Nhà nước.

PHAN HÀ

;
.