Tạo điểm nhấn cho lễ hội

Thứ Sáu, 17/11/2023, 18:15 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút lượng lớn khách du lịch nhờ vào việc tổ chức các lễ hội. Dù vậy, không phải lễ hội nào cũng để lại dấu ấn cho du khách, thậm chí có những lễ hội khá nhạt nhòa, không diễn ra như mong đợi của nhiều người. Chẳng hạn, lễ hội bia được tổ chức tại TP.Vũng Tàu vào dịp lễ Quốc Khánh 2/9 vừa qua, mặc dù tổ chức khá quy mô, đầu tư lớn nhưng chưa khiến du khách được thỏa mãn “đúng chất” của 1 lễ hội bia. Các gian hàng ẩm thực tại lễ hội thiếu vắng những món ăn đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều lễ hội ở các địa phương nhằm đẩy mạnh hình ảnh du lịch nông thôn, lưu thông sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, lễ hội này vừa xong, hình ảnh của nó chưa được đọng lại, thì lại đã thấy có lễ hội khác. Ngay chính người địa phương cũng không hiểu đâu mới là điểm đặc trưng, thế mạnh lớn nhất của làng quê mình.

Cũng vì thiếu chiến lược thống nhất trong việc chọn điểm đặc trưng, có thế mạnh nhất, nên nhiều lễ hội, sự kiện quảng bá thương hiệu địa phương bị trùng lặp, không đặc sắc, khó gây ấn tượng với du khách.

Việc tổ chức lễ hội, sự kiện thu hút du khách sẽ không trở nên nhạt nhòa, nếu chúng ta biết đâu là điểm nhấn, để tập trung đầu tư xứng tầm. Có được những lễ hội đặc trưng cho mỗi địa phương, điều cần nhất là chọn chất liệu để xây dựng hình ảnh. Tiếp theo đó là sự đầu tư nghiêm túc về con người và vật lực chỉnh trang hạ tầng, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mỗi người dân và du khách.

Gần đây, Bà Rịa -Vũng Tàu đã chọn ra một số lễ hội dân gian tổ chức có quy mô lớn để làm điểm nhấn cho du lịch của địa phương. Điển hình là lễ hội Dinh cô Long Hải được tổ chức từ mùng 10 đến 12 tháng Hai âm lịch hằng năm. Sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 14/2/2023, chính quyền địa phương đã nâng tầm quy mô cho lễ hội này. Ngoài phần lễ với các nghi thức truyền thống, lễ hội có nhiều hoạt động như: Sân khấu hóa tái hiện lịch sử hình thành Di tích lịch sử-văn hóa và Danh thắng Dinh Cô, Mộ Cô; cuộc thi thả diều bãi biển; bóng chuyền bãi biển; thi đi cà kheo dưới nước... Hay lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được thành phố đầu tư mở rộng quy mô từ năm 2022 nhằm quảng bá về TP.Vũng Tàu với những nét văn hóa đặc trưng đến với du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội được diễn ra từ 3 đến 4 ngày, thay vì 2 ngày như trước đây với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng vùng biển. Buổi diễu hành rước lễ kiệu nghinh Long vị Ông Nam Hải được nâng tầm thành lễ hội carnaval hoành tráng, với sự huy động của cán bộ công chức, nhân dân và du khách tham gia, tạo điểm nhấn, sắc màu rực rỡ cho lễ hội xứng tầm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đó là những cách làm hay, cần tiếp tục được lan tỏa. Để mỗi khi đến Bà Rịa - Vũng Tàu, du khách không chỉ nhớ đến du lịch biển mà còn có những lễ hội đặc trưng của địa phương. Giống như khi đến Lâm Đồng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Festival hoa ở Đà Lạt, biểu trưng của xứ sở ngàn hoa; Lễ hội trà tại huyện Bảo Lâm, Di Linh, và Cầu Đất với món Trà hương B’Lao đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến hơn nửa thế kỷ qua.

MINH THIÊN

 

;
.