Do bất cẩn, tôi đã làm thất lạc thẻ ATM. Nếu như trước đây thì tôi phải ra ngân hàng làm lại thẻ để thường xuyên rút tiền mặt chi tiêu, nhưng gần 1 tháng nay tôi vẫn “sống khỏe” dù chưa có thẻ ATM mới. Có được sự tiện lợi này chính là nhờ việc thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến rộng khắp.
Trên thực tế, trong khoảng 2 năm trở lại đây, số lần đi rút tiền mặt tại cây ATM của tôi cũng đếm trên đầu ngón tay. Nếu đi chợ, từ sạp rau đến hàng thịt, cá, thực phẩm khô đều nhận chuyển khoản, quét mã. Còn ra tiệm bánh mì, xe bán xôi, hàng phở… thậm chí món hàng chỉ vài ngàn đồng nhưng vẫn có thể chuyển khoản một cách dễ dàng. Trong khi đó, các ngân hàng đều miễn phí chuyển khoản nên người dùng như tôi cũng không phải băn khoăn khi giao dịch.
Như vậy, chỉ cần qua tài khoản ngân hàng, ngoài tiêu dùng thì người dân có thể nộp thuế, phí và lệ phí qua kho bạc, dịch vụ hải quan và thanh toán các tiện ích thông thường như điện, nước, bệnh viện… ở bất kỳ đâu và bất cứ thời điểm nào. Trên địa bàn tỉnh, với nhiều giải pháp, đến nay các đơn vị đều phối hợp với nhau, kết nối ngân hàng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đơn cử như Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu, đã hợp tác với 11 ngân hàng (bao gồm: Abbank, Vietcombank, BIDV, Viettinbank, Agribank, Sacombank, HDbank, MB, VIB, ACB, Nam Á Bank) và 9 tổ chức thanh toán trung gian (bao gồm: Viettel, Payoo, M-Service (Momo), Airpay, Vnpay, VNPT pay, Zalopay, Vimo, FINVIET). Nhờ đó tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 90%.
Hay như tại TP. Vũng Tàu, việc triển khai thí điểm tuyến phố không dùng tiền mặt cũng đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong khi đó, Sở Công thương phối hợp với VNPT tổ chức mô hình chợ 4.0, mang lại nhiều sự tiện lợi cho cả người tiêu dùng lẫn tiểu thương trong mua bán, trao đổi hàng hóa, phù hợp với xu thế phát triển.
Thống kê từ NHNN Việt Nam cũng cho thấy, tính đến tháng 8 năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 6,85 tỷ giao dịch với giá trị đạt 138,3 triệu tỷ đồng (tăng 348,54% về số lượng và 69,84% về giá trị).
Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua thẻ tiếp tục giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy xu hướng thanh toán không tiền mặt đang dần chiếm ưu thế.
Tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, kênh internet, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%. Nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ công đang chứng minh được tiện ích cho cả khách hàng và đơn vị thu tiền, thanh toán. Về lâu dài, việc thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào thanh toán chính yếu trong xã hội để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan, đơn vị chức năng, ngân hàng sẽ góp phần thúc đẩy hoàn thành sớm mục tiêu, kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 11/5/2022 về triển khai thúc đẩy phát triển tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác cho người dân từ 15 tuổi trở lên.
LAM GIANG