Sớm hoàn thiện hệ sinh thái logistics

Thứ Tư, 15/11/2023, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 10/2023 vừa qua, cảng cạn Phú Mỹ do công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động, được ví như là “cánh tay nối dài” của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Đây cũng là cảng cạn đầu tiên của Bà Rịa - Vũng Tàu và là cảng cạn thứ ba của khu vực phía Nam.

Nằm trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, trung tâm hệ sinh thái cảng biển - công nghiệp toàn diện, cảng cạn Phú Mỹ có khả năng kết nối đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt trong tương lai tới các cảng biển, ICD, depot trong khu vực cũng như các vùng cung ứng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cả nước về KCN. Qua đó giúp các nhà đầu tư, chủ hàng vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm thuận tiện với giải pháp tối ưu nhất về chi phí.

Đây sẽ là một “mắt xích”  rất quan trọng để khai thác hiệu quả hơn cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và dịch vụ hậu cần cảng của tỉnh.  Đặc biệt là  tối ưu hóa vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu tới các hành lang kinh tế lân cận, trở thành trung tâm hậu cần của cảng biển, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí dịch vụ vận tải và logistics.

Từ việc cảng cạn Phú Mỹ đi vào hoạt động cho thấy, xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tạo thành hệ sinh thái logistics đang diễn ra nhanh.  Đặc biệt là kể từ khi logistics được xác định là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh, đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ được triển khai. Theo kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 do UBND tỉnh ban hành cuối tháng 6/2023, logistics sẽ được phát triển thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của tỉnh đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân là 8%; tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.

Với địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh, nằm trên trục đường xuyên Á, Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia. Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định đầu tư phát triển hệ thống logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và lợi thế mà tỉnh đang có.

Tuy nhiên, với nhiều "điểm nghẽn" về cơ sở hạ tầng đang là thách thức cho hoạt động logistics, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ. Đồng thời, nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức... Do đó, để nắm bắt cơ hội phát triển, tỉnh cần triển khai nhóm các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái logistics, nhanh chóng tháo gỡ rào cản nêu trên để logistics thực sự trở thành đột phá trong phát triển kinh tế của Bà Rịa - Vũng Tàu.

NGÔ GIA

 

;
.