Mạnh tay loại bỏ tàu cá '3 không'

Thứ Năm, 02/11/2023, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Gỡ bỏ "thẻ vàng" cho nghề cá Việt Nam lại một lần nữa bị Ủy ban châu Âu (EC) khước từ. Đây là quyết định sau lần thứ tư EC tiến hành thanh tra thực tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại nước ta.

Lần này, từ kết quả kiểm tra IUU tại 2 địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định, EC đưa ra một số đề nghị sau: Không để tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; không để tàu mất kết nối thiết bị giám sát hành trình 10 ngày; không để tàu “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép) hoạt động trên biển; tỷ lệ xử phạt tàu cá vi phạm của Việt Nam còn rất thấp.

Đồng thời, EC cũng khuyến nghị Việt Nam xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tại địa phương không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật thủy sản, đặc biệt là các quy định về thiết bị giám sát hành trình, đăng ký, cấp phép, đánh dấu tàu cá để tạo sự chuyển biến trên thực tế; kiên quyết xử phạt triệt để các hành vi vi phạm IUU.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khóa XV về tình hình khai thác IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thông báo: Kết luận của đoàn kiểm tra EC lần thứ tư (làm việc từ ngày 10-18/10/2023) nêu rõ, Việt Nam đã rất tích cực, quyết liệt, có chủ trương mạnh mẽ, nhưng việc tổ chức thực hiện thì đâu đó cũng chưa đúng tầm. Vấn đề mấu chốt là kết quả thực tế tại địa phương còn hạn chế, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá, xử phạt vi phạm khai thác IUU, chế tài xử lý đối với doanh nghiệp gian lận còn chưa nghiêm.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặc biệt lưu ý thêm, dự kiến vào tháng 5/2024, đoàn của EC sẽ quay lại Việt Nam kiểm tra một lần nữa. Trong khoảng thời gian từ nay đến giữa năm sau, nếu không tranh thủ được cơ hội này thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong 3-4 năm tới. Bởi sau đó EC sẽ thay đổi nhiệm kỳ, cơ cấu tổ chức; sẽ có ủy ban khác, nhân sự khác thực hiện công việc xử lý IUU. Nếu kịch bản đó xảy ra, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chạm mức “kỷ lục” - vì phải mất khoảng 10 năm mới gỡ được “thẻ vàng” vi phạm khai thác IUU.

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có hơn 16.000 tàu cá “3 không” và hầu như địa phương nào có biển cũng xảy ra tình trạng này. Mặc dù chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để cùng chung tay tháo gỡ "thẻ vàng", nhưng từ đầu năm tới nay cả nước lại tiếp tục có thêm 26 tàu cá với 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, tại khu vực biển các nước Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Tàu cá vi phạm IUU tập trung ở các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang.

Thực tế, ngoài khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, nhiều tàu cá của ngư dân cũng thường xuyên vi phạm các lỗi, như: Vượt ranh giới trên biển; mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) khi cố tình không bật chế độ hoạt động hoặc đổ lỗi do VMS bị “trục trặc kỹ thuật”; thậm chí còn nhiều tàu còn không lắp thiết bị VMS và lẩn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng để khai thác hải sản bất hợp pháp…

Gỡ "thẻ vàng" IUU đã, đang và sẽ là vấn đề rất khó khăn. “Nếu Việt Nam vẫn còn tình trạng tàu cá đánh bắt hải sản ở nước ngoài thì EC sẽ không gỡ thẻ vàng” - cảnh báo của EC khi áp vào thực tế ngành khai thác hải sản xa bờ của nước ta thực sự là một bài toán nan giải. Mạnh tay loại bỏ tàu cá “3 không” mới chỉ là một phần cần thiết trong những nội dung quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.

Do đó, chấm dứt đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp cần song hành cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo sinh kế cho ngư dân và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản. Giải pháp lâu dài cần hướng đến là giảm đội tàu cá (hiện đã giảm từ 120.000 xuống hơn 90.000 tàu) để giảm cường lực khai thác kiệt quệ tài nguyên biển. Đồng thời, có chính sách ưu tiên và khuyến khích bà con ngư dân chuyển đổi nghề, nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống.

HOÀNG LÊ

 

;
.