Những căn nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên hai bên đường sau khi mở rộng đã xuất hiện từ lâu tại các số đô thị lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Vài năm gần đây, những căn nhà kiểu này xuất hiện ngày một nhiều hơn tại TP.Vũng Tàu. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị hiện nay.
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao. Để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhiều công trình đường giao thông đã và đang được triển khai xây dựng. Quá trình thực hiện các công trình này, nhà nước phải thu hồi nhà, đất để có mặt bằng triển khai dự án. Theo quy định hiện hành, khi giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến việc thu hồi phần nhà, đất nằm trong phạm vi dự án. Điều đó dẫn đến một số nhà, đất sau khi thu hồi, phần còn lại có kích thước nhỏ hẹp, với chiều dài chỉ chưa đầy 1 mét, diện tích vài mét vuông. Ngoài ra, hình dạng nhiều thửa đất méo mó, xiên xẹo.
Sau khi mở đường, giá trị nhà đất tăng lên nhiều lần. Dù diện tích nhỏ, không đủ điều kiện xây dựng nhưng nhiều hộ vẫn có nhu cầu sử dụng, khai thác nên đã cơi nới, xây dựng thành công trình kiên cố, cao tầng hoặc che chắn tạm bợ, hình thành những căn nhà siêu mỏng, méo mó. Một số căn được chủ nhà làm kios cho thuê hoặc làm chỗ ở và kinh doanh. Điều đáng nói, những căn nhà này thường nằm ngay vị trí mặt tiền đường lớn sau khi mở rộng nên vừa mất mỹ quan đô thị, vừa mất an toàn cho người sử dụng.
Trên thực tế, khi giải phóng mặt bằng, một số hộ dân có nguyện vọng thu hồi hết diện tích đất còn lại nhưng nhà nước không thu hồi vì phần này nằm ngoài vùng quy hoạch của dự án. Trong khi đó, do giá trị phần nhà, đất sau khi mở đường đã tăng lên nhiều lần nên một số hộ lại làm khó, buộc hộ phía trong muốn ra mặt tiền phải mua phần diện tích này với giá cao hơn giá trị thực tế. Vì vậy, việc thương lượng mua bán để hợp thửa rất khó thành.
Với nhu cầu và tốc độ phát triển hạ tầng như hiện nay, sẽ còn có nhiều nhà, đất siêu mỏng, méo mó mọc lên sau khi mở đường. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển của các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng như công tác quy hoạch, chỉnh trang, quản lý trật tự đô thị tại các địa phương.
Để hạn chế những căn nhà siêu mỏng, méo mó, khi quy hoạch, lập dự án và xây dựng kế hoạch thu hồi đất, nhà nước nên tính đến phương án thỏa thuận với người dân, thu hồi luôn cả phần đất còn lại nằm ngoài dự án nhưng không đủ diện tích xây dựng nhà ở. Phần đất thu hồi này có thể bố trí các tiện ích công cộng như vườn hoa, bảng tin, máy bán hàng tự động, lắp đặt dụng cụ luyện tập thể dục thể thao… Bên cạnh đó, nhà nước cũng có thể thương lượng bán lại diện tích này cho hộ có nhà đất phía trong bằng với giá thị trường và dùng khoản tiền này phục vụ mục đích công cộng.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được đưa ra thảo luận góp ý tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra ở Hà Nội. Chuẩn bị cho kỳ họp, khi thảo luận, góp ý về dự thảo luật này, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề cần có quy định chặt chẽ đối với phần diện tích nhà đất sau khi thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa để tránh tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Hy vọng rằng, khi được thông qua và có hiệu lực thi hành trong thời gian tới, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ có những quy định rõ ràng, tạo cơ chế thuận lợi để cùng với các quy định khác trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch đô thị giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, méo mó.
NGUYỄN ĐỨC