Đến thời điểm này, cùng với 28 địa phương ven biển trên cả nước, Bà Rịa - Vũng Tàu đã cơ bản chuẩn bị các điều kiện để đón đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu EC về công tác gỡ thẻ vàng IUU. Tinh thần xuyên suốt của tỉnh cũng như các địa phương ven biển là nỗ lực cao nhất là sớm gỡ được “thẻ vàng”.
Theo dự kiến trong khoảng từ nay đến 18/10, đoàn thanh tra của EC đến Việt Nam để kiểm tra công tác gỡ thẻ vàng IUU. Đây là lần thứ tư và cũng được xem là yếu tố quyết định việc có gỡ được “thẻ vàng” hay không, do đó mọi khuyến nghị của EC đã được các địa phương ven biển cũng như Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực hoàn thành. Tỉnh cũng đã triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản trái phép và thúc đẩy sự tuân thủ các quy định về khai thác. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của ngư dân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến việc đánh bắt thủy sản trái phép. Cùng với đó xử lý nhiều tàu có hành vi tự ý tháo dỡ thiết bị giám sát hành trình…
EC ban hành luật cứng rắn chống lại việc đánh bắt IUU vào năm 2010 nhằm bảo đảm không có sản phẩm thủy, hải sản IUU nào trên thị trường của Liên minh châu Âu (EU). Các quốc gia có tình trạng đánh bắt IUU trước tiên sẽ bị cảnh báo và bị “áp thẻ vàng cảnh cáo”. Những nước không có chuyển biến sau thời gian giám sát hoặc bị kết luận “không hợp tác” thì có thể sẽ bị áp “thẻ đỏ”, cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy, hải sản sang EU.
Kinh nghiệm từ các quốc gia đã gỡ được thẻ vàng cho thấy, những nước này phải thay đổi tư duy đánh bắt có trách nhiệm. Như tại Thái Lan, sau khi bị EC cảnh báo “thẻ vàng” do vi phạm IUU vào tháng 4/2015, quốc gia này đã bắt đầu một cuộc cải cách cơ bản ngành thủy sản, đồng thời xây dựng một khuôn khổ chính sách và luật pháp mới mạnh mẽ. Với khẩu hiệu “Thái Lan không IUU”, các nhà chức trách đặt mục tiêu có thể truy xuất nguồn gốc thủy sản “từ biển tới bàn ăn” thông qua một hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử nâng cao mới. Các DN thủy sản cũng chung tay với chính quyền, ngư dân trong việc thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC. Ngày 8/1/2019, EC tuyên bố gỡ “thẻ vàng” cảnh cáo, công nhận tiến bộ thực chất mà Thái Lan đạt được trong việc giải quyết các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát kể từ năm 2015. Chỉ trong vòng 3 năm (2015-2018), Thái Lan đã xây dựng một tương lai mới cho ngành thủy sản, đó là phát triển nghề cá bền vững và cá trách nhiệm.
Lấy ví dụ trên để thấy, không khó để gỡ “thẻ vàng” IUU nếu thay đổi tư duy đánh bắt có trách nhiệm và sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ cơ quan chức năng đến ngư dân. Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên định trong việc chống khai thác hải sản IUU, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Và hơn nữa, việc đáp ứng các khuyến nghị của EC không chỉ nhằm mục đích gỡ “thẻ vàng”, mà với mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững ngành thủy sản, đảm bảo sinh kế cho ngư dân, bảo vệ hệ sinh thái đại dương và thực hiện cam kết quốc tế vì một nghề cá có trách nhiệm. Đặc biệt, cần làm sao để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm “đi khai, về báo” một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng, của đất nước”, như lời Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định ngày 7/10 vừa qua.
NGÔ GIA