Hình ảnh dân phòng lập chốt hướng dẫn người dân né đoạn đường ngập nước ở Bình Dương được người dân tỉnh này tán thưởng. Chuyện đó đương nhiên là đẹp, xứng đáng được tán dương. Trong cấp bách, những hành động trong sáng như vậy giúp đỡ mọi người tránh được rắc rối, nguy hiểm. Nhưng điều lớn hơn, mà người dân chờ đợi phía sau những câu chuyện đẹp đó, là liệu đến bao giờ các đô thị sẽ hết cảnh ngập lụt.
Ngập lụt cục bộ đang ngày càng phổ biến, không chỉ ở những thành phố, khu đô thị của miền Trung, Tây Nam Bộ - những nơi vốn đã quá quen với lũ lụt - mà xẩy ra ở hầu khắp các đô thị trong cả nước. Có thể là do những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày một nặng nề. Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Cũng có thể do những tác nhân trực tiếp của con người lên hệ sinh thái phòng hộ. Hoặc là do chính nội tại của hạ tầng đô thị.
Mà dù là lý do gì, thì các đô thị ở Việt Nam cũng cần một giải pháp hiệu quả hơn đối với hạ tầng, cụ thể là hạ tầng thoát nước. Vì kể cả là nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, từ sự suy giảm của hệ sinh thái phòng hộ… thì cuối cùng, nâng cấp hệ thống thoát nước đủ công suất, đủ hiện đại vẫn là vấn đề căn bản phải giải quyết.
Tại TP.Vũng Tàu, hình ảnh người dân đổ ra đường bắt cá sau những cơn mưa lớn từng xuất hiện vài năm trở lại đây. Trong mùa mưa 2023, thành phố Vũng Tàu từng trải qua vài ba lần đường sá ngập sâu 30-40 phút sau mưa lớn. Điểm đáng nói, nhiều khu vực hễ mưa lớn là ngập, như đoạn trên đường Võ Nguyên Giáp, cách điểm giao với đường 30/4 khoảng 300m (hướng Bà Rịa - Vũng Tàu).
Từ phản ánh của người dân, điểm ngập cục bộ này đã từng được cơ quan chức năng can thiệp và xử lý. Nhưng chỉ đỡ được một thời gian ngắn, mọi thứ đâu lại vào đó. Đây là khu vực ngập rất nguy hiểm vì lưu lượng xe cộ lưu thông đông đúc. Trong đó nhiều xe đến từ các tỉnh, thành. Tài xế không quen thuộc đường sá, không kịp giảm tốc. Nhiều trường hợp thắng gấp, dúi dụi. Xe máy gặp nước, vội lách qua làn ô tô. Ô tô không kịp thắng, chạy tốc độ cao, lại dội nước vào người đi xe máy… Kể ra, ở đây có chốt cảnh báo ngập lụt như các anh dân phòng lập ra ở Bình Dương thì đỡ nguy hiểm cho người đi đường biết bao. Nhưng chuyện đó, nghĩ đến cũng chỉ để nghĩ mà thôi. Nó không thể thành một hành động thực tế lâu dài…
Trong cả nước, các hội thảo về chống ngập lụt đô thị đã được tổ chức khá nhiều. Vấn đề cơ bản được quan tâm vẫn là giải pháp đồng bộ và toàn diện trong việc cải thiện hạ tầng đô thị, bảo đảm theo kịp tốc độ đô thị hóa. Nhưng trước khi có được một giải pháp lâu dài, thì những điểm nghẽn trước mắt vẫn cần phải xử lý dứt điểm, để tránh tác động trực tiếp đến sức khỏe, an toàn của người dân.
HOÀNG NAM