Thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái

Thứ Tư, 25/10/2023, 19:07 [GMT+7]
In bài này
.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đạt chuẩn quốc tế, tiện ích công nghiệp như cấp điện, nước, khí gas… cũng được dẫn đến hàng rào của nhà máy, là những lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư mà KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (TX.Phú Mỹ) đã xây dựng nên.

Nằm ở vị trí đắc địa trong trung tâm hệ sinh thái cảng biển - công nghiệp, vùng công nghiệp cộng sinh, cách cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và kho cảng hàng lỏng hóa chất, LNG, LPG chỉ 2km, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 còn có nhiều lợi thế khi liền kề các tổ hợp nhà máy cung cấp nguyên vật liệu cơ bản thượng nguồn như nhà máy thép, tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Hyosung.

Điều này giúp KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 trở thành vùng hấp dẫn phát triển công nghiệp cộng sinh, kinh tế tuần hoàn. Ở đây, các DN hợp tác với nhau để trao đổi chất thải hoặc năng lượng thừa. Những thứ thải ra của DN này có thể làm nguyên liệu đầu vào cho DN kia. Đây cũng là cách mà KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 định hình thành một KCN sinh thái khi các DN sử dụng chung hạ tầng và dịch vụ, tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua việc hợp tác để tối ưu hóa các yếu tố và quá trình sản xuất. Và đây cũng là giải pháp hiệu quả để xây dựng KCN bền vững, loại bỏ chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường mà KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đang thực hiện.

Cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), đến nay KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đang dần trở thành mô hình kiểu mẫu, được chứng nhận là KCN thông minh, sinh thái, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành. Thông tin này được đề cập tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh và JICA hôm 24/10 cho thấy, nếu KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 trở thành KCN đầu tiên của Việt Nam được chứng nhận tiêu chuẩn sinh thái, thông minh sẽ là định hướng tương lai cho cả 15 KCN của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các Hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết, có hiệu lực đòi hỏi hàng hóa xuất - nhập khẩu phải bảo đảm yếu tố xanh, bảo vệ môi trường thì KCN sinh thái chính là một lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư.

Xây dựng và phát triển KCN sinh thái hướng tới phát triển bền vững cũng đang trở thành xu hướng tất yếu. Giai đoạn 1 dự án phát triển KCN sinh thái do Bộ KH-ĐT và Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) phối hợp triển khai đã cho thấy kết quả khả quan, hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD và cắt giảm được 32.000 tấn khí CO2 mỗi năm. Việc tiếp tục triển khai mô hình KCN sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn đối tác có cùng tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động thì phát triển KCN theo hướng KCN sinh thái sẽ là lợi thế lớn để phát triển bền vững cả 3 khía cạnh về kinh tế - xã hội - môi trường.

Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư FDI, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Phát triển KCN theo mô hình sinh thái hiện nay không còn là giải pháp được Chính phủ khuyến nghị mà đang trở thành một yêu cầu bắt buộc nhằm phát huy hiệu quả thu hút đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 40-50% KCN hiện hữu chuyển sang KCN sinh thái.

Để đạt được mục tiêu trên, mô hình KCN sinh thái cần sớm được tháo gỡ rào cản về đầu tư tăng trưởng xanh, đặc biệt là có sự hỗ trợ về chính sách, tài chính như ưu tiên vốn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất…

NGÔ GIA

;
.