Vài năm trở lại đây, việc kết nối nhà trường với gia đình bằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai khá phổ biến tại nhiều địa phương. Những tiện ích của internet, mạng xã hội, thiết bị công nghệ thế hệ mới… đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi phương pháp giáo dục, nâng cao công tác quản lý cũng như kết quả học tập của các em HS.
Đi kèm với những ưu việt của CNTT là hệ lụy từ những lỗ hổng rò rỉ, lộ lọt bí mật thông tin HS và các bậc phụ huynh có con em đang học tại các trường. Thông tin HS bị rò rỉ khiến phụ huynh gặp phiền phức vì tin nhắn rác, tin nhắn tư vấn học thêm của các trung tâm ngoại ngữ, hoặc các lớp nâng cao đối với HS cuối cấp, nhất là các cuộc gọi không mong đợi từ nhân viên tiếp thị bán hàng. Nghiêm trọng hơn, khi cơ sở giáo dục sử dụng phần mềm có độ bảo mật yếu, dữ liệu về thông tin của HS và phụ huynh lại càng dễ bị đánh cắp, bị rao bán trên mạng. Từ đó, không ai biết điều gì có thể xảy ra khi những thông tin HS rơi vào tay những kẻ xấu, lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh để đe dọa tống tiền.
Thực tế những vụ việc lừa đảo từ việc lộ lọt thông tin HS đã từng xảy ra trong năm học 2022-2023. Địa phương đầu tiên ghi nhận chiêu lừa “chuyển tiền gấp để cấp cứu cho con” là TP.Hồ Chí Minh, sau đó lần lượt xuất hiện mánh lới này tại các tỉnh, thành phố khác. 14 phụ huynh tại TP.Hồ Chí Minh bị lừa 825 triệu đồng theo cùng một kịch bản “con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp”; còn tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có 2 phụ huynh đã trình báo với cơ quan công an về việc bị lừa 240 triệu đồng, cũng với cách thức tương tự như các vụ việc xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao các đối tượng lừa đảo lại có thông tin chính xác, chi tiết về HS, như: học lớp nào, trường nào; bố mẹ làm nghề gì, nhà ở đâu, số điện thoại thuê bao?
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thông tin của HS, phụ huynh có thể bị rò rỉ qua nhiều hình thức, như: kê khai hồ sơ để làm thẻ bảo hiểm y tế, hồ sơ tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, hồ sơ tư vấn học nghề; thậm chí hoạt động tiếp thị, tặng quà của các nhãn hàng tại trường học… cũng thu thập thông tin chi tiết của HS.
Bên cạnh đó, có không ít bậc cha mẹ vô tình để lộ thông tin gia đình khi sử dụng mạng xã hội. Nhiều người khoe cả ảnh CCCD, sao chụp giấy khen, phần thưởng về thành tích học tập của con, tiết lộ con mình học trường nào, lớp nào, có năng khiếu về toán, ngoại ngữ… lên mạng xã hội. Đồng thời, số lượng HS được sử dụng thiết bị công nghệ ngày càng nhiều, nhưng phần đông chưa lường được rủi ro, cạm bẫy trên không gian mạng và để lại nhiều lỗ hổng trong bảo mật thông tin. Hoặc cũng có thể do HS truy cập mạng internet, với nhiều ứng dụng phổ biến như Facebook, Zalo, Tiktok, game… dẫn đến cạm bẫy về mã độc, đường dẫn truy cập có nội dung lừa đảo.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của các vụ hack hệ thống dữ liệu thông tin trường học, rao bán thông tin cá nhân… trên mạng internet, việc bảo mật thông tin của HS, phụ huynh là một đòi hỏi cấp thiết và quan trọng cho mọi ứng dụng kết nối trường học. Do đó, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên thực hiện và tăng cường công tác bảo mật thông tin của HS. Khi tuyển chọn người làm công tác quản lý thông tin HS, cần chú trọng yếu tố năng lực chuyên môn và đạo đức nghiệp vụ.
Nhằm hạn chế tình trạng lộ lọt thông tin HS, nhà trường và gia đình cần phối hợp với nhau trong việc tăng cường “sức đề kháng” cho HS thông qua việc cung cấp kỹ năng, kiến thức phòng chống tội phạm công nghệ cao. Trong đó, nhà trường cần thực hiện các buổi ngoại khóa chuyên đề, đưa ra các tình huống cụ thể giúp HS nhận biết và có kỹ năng tự bảo vệ trước các rủi ro an toàn thông tin trên mạng xã hội.
HOÀNG LÊ