Chọn được món hàng thời trang ưng ý trên đường Lý Tự Trọng (phường 1, TP.Vũng Tàu), chị Nhu lại quầy tính tiền, nhanh chóng lấy điện thoại mở ứng dụng của một ngân hàng, sau đó quét mã QR để thanh toán. Chỉ 2 phút sau, điện thoại chủ cửa hàng báo tin đã nhận được tiền. Gật đầu chào khách, bà chủ nhắn nhủ, lần sau nhớ quay lại ủng hộ cửa hàng.
Không riêng gì cửa hàng kinh doanh thời trang nói trên, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn, quán cà phê… trên tuyến đường này gần đây đã dùng ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt. Tại quầy tính tiền, hay bàn ăn uống thường có tấm nhựa in sẵn mã QR để khách hàng dễ nhìn thấy.
Tuyến đường Lý Tự Trọng được Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ phường 1 chọn triển khai “Tuyến đường văn minh đô thị và thanh toán không dùng tiền mặt” từ cuối tháng 8 vừa qua. Sau gần hai tháng thực hiện, ghi nhận thực tế tại tuyến đường trên cho thấy, khách hàng cũng như cơ sở kinh doanh khá hào hứng khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhân viên một cửa hàng trên đường Lý Tự Trọng cho biết, trước đây nhiều người dân khi đến sử dụng dịch vụ hay mua sắm thường dùng tiền mặt để thanh toán. Thói quen này đã phổ biến và ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người. Thế nhưng, hiện nay xu hướng quẹt thẻ, quét mã QR hay chuyển khoản được sử dụng nhiều hơn. Hoạt động tuyến phố thanh toán không tiền mặt này được người dân, khách hàng tích cực hưởng ứng.
Lãnh đạo UBND phường 1 chia sẻ, mục tiêu phường đặt ra là đến cuối năm 2023 có 100% cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên tuyến đường này thực hiện giao dịch, mua bán với các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Để hoàn thành mục tiêu này, phường đã khảo sát lấy dữ liệu của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên tuyến đường. Đồng thời, phường khảo sát, liên hệ các đối tác thanh toán (ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán như VNPAY, VNPT Pay, Viettel Pay, Mobifone Pay, Momo, Shopee Pay...) để đẩy mạnh thực hiện giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, phường hướng dẫn các chủ cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên tuyến đường này tham gia và cam kết thực hiện.
Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng mô hình tuyến phố không dùng tiền mặt và được đánh giá hoạt động hiệu quả. Điều này giúp cho DN, cửa hàng và người tiêu dùng tại các địa phương thuận tiện hơn trong việc thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Đây cũng là cơ hội cho người dân được trải nghiệm, hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ nhằm xây dựng thói quen thanh toán không tiền mặt.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong 7 tháng năm 2023 thanh toán không dùng tiền mặt tăng 51,14% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022. Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, chỉ tính riêng trong quý III/2023, thanh toán không dùng tiền mặt qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn cũng tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, việc xây dựng và nhân rộng các tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người dân thay đổi thói quan thanh toán mà còn là xu hướng để các tỉnh, thành phố thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến tiêu dùng văn minh, hiện đại.
NHẬT MINH