Mới đây, Văn phòng Bộ Công an tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030. Mục đích của hội thảo nhằm có thêm nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào các mục tiêu, trong đó có việc ngăn chặn, đẩy lùi và giảm số lượng thanh, thiếu niên nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy, vi phạm pháp luật và phạm tội về ma túy hàng năm, góp phần xây dựng thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam phát triển toàn diện.
Những năm qua Đảng, Chính phủ có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình quốc gia về công tác phòng, chống ma túy và có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, địa phương cũng phát động phong trào phòng, chống ma tuý, phòng chống tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và ma tuý nói riêng trong thanh, thiếu niên.
Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma tuý vẫn còn diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng từ ngày 15/12/2020 đến 14/5/2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 136.336 đối tượng là thanh, thiếu niên phạm tội; trong đó tội phạm về ma túy chiếm 31,9%... Đáng chú ý, số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy có xu hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ lớn (trên 50%), nhất là trong thanh, thiếu niên, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trong thanh, thiếu niên đang trở thành vấn đề cấp bách cần các ban, ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị và toàn xã hội ngăn chặn.
Để phòng ngừa tội phạm này ở lứa tuổi vị thành niên, hơn bao giờ hết, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội để giáo dục, định hướng các em có nhận thức đúng và có hành vi phù hợp. Các bậc cha mẹ cần gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con em. Các tổ chức đoàn thể cần có những giải pháp thiết thực lôi cuốn các em đến với các hoạt động bổ ích ngay tại cộng đồng; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, giúp thanh thiếu niên có sức đề kháng trước những tệ nạn xã hội.
Các cơ quan chức năng, tổ chức toàn thể và gia đình chủ động phòng ngừa phát hiện kịp thời những tác động tiêu cực trong việc sử dụng internet, trò chơi điện tử có nội dung xấu và không lành mạnh, để ngăn chặn việc các em bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào con đường phạm tội; đặc biệt là sử dụng ma túy.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý những biểu hiện phức tạp về các tệ nạn xã hội, gây tác động xấu đến thanh, thiếu niên. Đồng thời quan tâm tạo công ăn việc làm, khắc phục tình trạng thiếu việc làm trong thanh, thiếu niên. Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và đấu tranh với tội phạm ma túy. Tích cực điều tra triệt xóa các đường dây, tụ điểm mua bán phức tạp góp phần làm giảm nguồn cung về ma túy. Phát động phong trào toàn dân phát hiện và tố giác tội phạm ma tuý.
Và vấn đề quan trọng nhất chính là mỗi thanh thiếu niên cần có nhận thức đầy đủ về tác hại của ma tuý để tuyệt đối tránh xa, không sử dụng, dù chỉ một lần. Để làm được điều này, cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy bằng cách hình thức phong phú, phù hợp đối với từng đối tượng. Gắn công tác phòng chống ma tuý với giáo dục đạo đức, giáo dục giới tính và kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên. Tăng cường hoạt động văn hoá, thể thao giải trí, vui chơi lành mạnh, bổ ích đối với thanh, thiếu niên.
TRIỆU VỸ