Đối với người dân xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” giờ đây không phải là phong trào mang tính hình thức. Lãnh đạo xã cho hay, từ e ngại, giờ đây nhiều người dân đã đến dự các buổi “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”. Thậm chí, nhiều người dân luôn mong chờ đến cuối tuần để được tiếp cận với lãnh đạo địa phương, nói lên tâm tư, suy nghĩ cũng như phản hồi, nêu ý kiến về những vấn đề phát sinh từ cơ sở để cùng chính quyền tìm ra giải pháp hữu ích.
Người dân phản ánh từ những chuyện tưởng như nhỏ nhặt như người dân bỏ rác thải ra đường, chó thả rông đến vấn đề về an ninh trật tự như trộm cắp, tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông nông thôn, thủ tục hành chính… Bất cứ phản ánh nhỏ hay lớn đều được lãnh đạo xã tiếp thu, giải trình cụ thể.
Tại hội nghị trao đổi thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công (PAPI) do UBND tỉnh tổ chức, diễn ra cuối tuần qua, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, để nâng cao chất lượng hành chính công, người quản lý phải thay đổi tư duy ban cho và lắng nghe dân nói.
Câu chuyện từ cấp xã, phường cho thấy, mô hình “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực từ việc thay đổi tư duy này ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Được biết, mô hình này đã được triển khai tại 82/82 xã, phường trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương còn có sáng kiến tổ chức các mô hình lắng nghe dân bằng nhiều cách làm hay, gần gũi với đặc trưng vùng miền, như mô hình “Cà phê sáng cùng ngư dân” tại huyện Long Điền.
Dù bằng hình thức nào, thì những mô hình trên đang cho thấy sự năng động của chính quyền địa phương trong việc gần dân, lắng nghe dân. Đây còn là dịp để cơ quan chức năng tuyên truyền, giải thích các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề mà người dân chưa rõ, chưa hiểu, từ đó tạo sự đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc lắng nghe người dân bày tỏ ý kiến về chất lượng dịch vụ hành chính công không chỉ là thước đo về chất lượng, mà còn là định hướng cho sự tiếp nối nỗ lực này trong hoạt động nhiều năm nay của Bà Rịa - Vũng Tàu. Thực tế đã cho thấy, những mô hình cải cách thủ tục hành chính lấy sự hài lòng của người dân làm gốc đã phát huy hiệu quả trong nhiều mặt. Lấy sự hài lòng của dân làm trọng tâm, thì người dân mới tiếp tục đồng hành cùng chính quyền, cùng thực hiện, cùng giám sát, quan trọng nhất là củng cố niềm tin với cơ quan công quyền.
Bà Rịa - Vũng Tàu xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Những con số từ bảng xếp hạng Chỉ số PAPI cho thấy, muốn thay đổi chỉ số hài lòng của người dân, các cấp chính quyền cần phải hướng đến giải quyết những vấn đề mà người dân quan tâm, nhưng quan trọng là phải tận tâm, tận lực.
Và mục tiêu cao nhất là phải hướng tới xây dựng một chính quyền phục vụ, phụng sự, lắng nghe dân, lấy sự hài lòng của người dân làm gốc như Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ khẳng định.
LAM GIANG