Gánh hàng rong và câu chuyện 'mưu sinh vỉa hè'

Thứ Sáu, 13/10/2023, 19:45 [GMT+7]
In bài này
.

Gánh hàng rong đã tồn tại từ rất lâu, là kế mưu sinh của biết bao cư dân ở các đô thị Việt Nam, tạo nên giá trị văn hoá đặc thù của từng đô thị.

Thế nhưng, hàng rong cũng gây ra nhiều vấn nạn, ảnh hưởng đến văn minh đô thị như tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, gây mất an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm… Chính quyền địa phương luôn tìm giải pháp để chấn chỉnh, dẹp bỏ vấn nạn này. Nhiều cuộc ra quân của lực lượng chức năng tại TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa nhằm dẹp bỏ hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lập lại trật tự đô thị.

Thế nhưng, phía sau gánh hàng rong là câu chuyện “mưu sinh vỉa hè” đáng để suy ngẫm.

Nhà báo Việt Phong, biên tập viên của Đài HTV từng chia sẻ: “Có không ít người, qua bao thế hệ dân nhập cư đô thị đã chọn vỉa hè, lòng, lề đường làm chốn mưu sinh và cũng từ đó mà làm phong phú thêm đời sống của TP.HCM. Ở một góc độ thì đó cũng được xem là “kinh tế vỉa hè” vì nó vẫn tồn tại, phát triển và tạo nên nguồn thu nhập cho bao người”.

Một số quốc gia như Nhật Bản, Singapore… không cấm hàng rong và coi đây là nét văn hóa ẩm thực đường phố của quốc gia. Chẳng hạn, thành phố Fukuoka (Nhật Bản) những năm gần đây có sự trỗi dậy của hàng rong, bởi những thay đổi trong chính sách của chính quyền địa phương. Hàng rong ở đây (được gọi là yatai) phổ biến dọc 2 bên bờ kênh, những con phố đêm. Gánh hàng được thu gọn trên một chiếc xe kéo mà nguời chủ có thể đưa đến vị trí cố định 6 đêm mỗi tuần, tạo nên trải nghiệm ăn uống thân thiện, độc đáo. Trước đây, chính quyền Fukuoka luôn tìm cách kiềm chế loại hình này. Nhưng truyền thống ẩm thực đặc biệt yatai đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách du lịch, đã bắt đầu tạo nên một số thay đổi trong "văn hóa hàng rong". Năm 2016, các giấy phép kinh doanh hàng rong đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã được trao cho chủ cơ sở yatai.

Tại Singapore, trong thập niên 1950, chính quyền nước này muốn dọn sạch hàng rong khỏi vỉa hè, nhưng đa số người dân thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người bán hàng rong. Điều này khiến các quan chức Singapore thay đổi quan điểm và đưa ra nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi cho người bán hàng rong. Giai đoạn 1971 - 1986, chính quyền Singapore bắt đầu xây dựng nhiều chợ, trung tâm bán hàng rong rải rác khắp nơi, sẵn sàng giao đất cho nhà đầu tư với điều kiện phải lập ra trung tâm bán hàng rong ngay trong mảnh đất đó. Chính quyền Singapore cũng tính đến việc tái bố trí người bán hàng rong về khu vực gần điểm buôn bán trước đây, giúp giải tỏa tâm lý sợ mất khách hàng thân thiết.

Tại TP.HCM, sau một thời gian làm quyết liệt với mong muốn xử lý triệt để việc bán hàng rong, lập lại trật tự đô thị, chính quyền thành phố thấy rằng, điều này khó khả thi. Do đó, thay vì cấm hàng rong, mới đây thành phố đã ban hành chính sách thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường và được đông đảo người dân thành phố đồng tình ủng hộ. Và điều mong chờ ở đây là một phương án rõ ràng, minh bạch trong việc thu phí và đóng phí vỉa hè.

Điều quan trọng nữa là, những chính sách tạo cơ hội cho những người bán hàng rong có thể giúp họ vươn lên từng ngày, nhưng đi kèm đó phải là những biện pháp quản lý hàng rong với những quy định chặt chẽ và chế tài phù hợp. Và trên hết đó là ý thức của người bán hàng rong. Họ cần được định hướng, hỗ trợ của chính quyền về nhiều mặt (tuyên truyền, vận động, cam kết, xử phạt…) để có thể tuân thủ tốt các quy định về giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm... Nếu làm tốt những điều này, hàng rong tại các đô thị, đặc biệt là những thành phố du lịch như Vũng Tàu, sẽ trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực hấp dẫn du khách.

 MINH THIÊN

 

;
.