Đừng giảm biên chế giáo viên kiểu cơ học

Thứ Sáu, 06/10/2023, 19:18 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với UBND tỉnh An Giang, vấn đề bất cập trong tinh giản biên chế của ngành giáo dục lại được đề cập. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị không nên giảm biên chế cơ học, cào bằng. “Nhà trường giảm biên chế cơ học thì lấy đâu ra giáo viên để dạy”, người đứng đầu địa phương này phân tích.

Đây cũng là vấn đề chung của toàn ngành giáo dục và được nhiều người quan tâm. Hiện nay, tốc độ tăng dân số cả nước trung bình khoảng 1%/năm, kéo theo số lượng học sinh tăng theo từng năm học, đòi hỏi phải không ngừng mở thêm trường lớp và tuyển thêm GV. Trong khi đó, theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2026 ngành giáo dục phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2026, ngành giáo dục phải giảm tới 1.539 biên chế. Vừa thiếu nguồn tuyển, vừa phải lo tinh giản biên chế, trong khi số lượng trường lớp, HS vẫn tăng đều và tăng mạnh hàng năm nên ngành giáo dục tỉnh luôn trong tình trạng thiếu GV.

Tình trạng thiếu GV, tinh giản biên chế bất hợp lý trong ngành giáo dục đã được cử tri cả nước quan tâm và thường xuyên phản ánh, kiến nghị có giải pháp khắc phục trong các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND, của đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương.

Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri một số địa phương gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến biên chế GV, Bộ Nội vụ cho rằng, để bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, cần thay đổi phương thức cấp ngân sách theo số lượng biên chế sang đặt hàng theo quy mô HS phù hợp với từng bậc học, từng vùng, miền. Trên cơ sở này, Nhà nước đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập; cơ cấu lại số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Thời gian qua, để “chữa cháy” tình trạng thiếu GV, nhiều trường buộc phải dồn lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp quá quy định; yêu cầu GV dạy tăng tiết, kiêm nhiệm thêm bộ môn khác hoặc kiêm thêm những công việc ngoài chuyên môn; tuyển thêm GV hợp đồng… Những giải pháp này không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khỏe của GV, tạo thêm áp lực cho GV. Bởi lẽ ngoài giờ lên lớp, GV còn phải làm nhiều việc: soạn giáo án, chuẩn bị đề cương ôn tập, ra đề kiểm tra, chấm bài kiểm tra của HS, dự giờ, chủ nhiệm, tập huấn nghiệp vụ, học tập nâng cao trình độ.

Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế, tăng cường tự chủ cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, tiêu cực trong nhà trường. Chẳng hạn như sự việc vừa gây ồn ào dư luận đầu năm học này là lớp học ở một trường tiểu học tại TP.Hồ Chí Minh thu quỹ lớp tới 10 triệu đồng/HS và dùng phần lớn số tiền này để sửa sang cơ sở vật chất lớp học; là những khoản đóng góp không tên do hội phụ huynh HS thu; là tình trạng HS gần như bị ép đi học phụ đạo và đi học thêm… Hậu quả từ những bất cập này phần lớn dồn lên vai phụ huynh và HS. Phụ huynh thì phải lo đóng góp, chi phí học thêm cho con, HS thì quá tải bởi lịch học dày đặc.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã từng thẳng thắn chia sẻ: “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất”. Thực vậy, vấn đề biên chế là do Bộ Nội vụ quản lý, Bộ GD-ĐT không có quyền quyết định. Thực trạng đó đòi hỏi Bộ Nội vụ khi giao biên chế và tinh giản biên chế cần có giải pháp căn cơ, lộ trình cụ thể, có tính đến đặc điểm của từng vùng, miền và địa phương, thực tế số lớp, số HS, tránh trường hợp tinh giản mang tính cơ học, cào bằng. Đừng để tình trạng nhiều địa phương, trường học dù vẫn thiếu GV nhưng không dám tuyển do còn phải để dành chỉ tiêu tinh giản biên chế, vì lỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì sẽ không biết giảm ai.

NGUYỄN ĐỨC

;
.