Để tạo lòng tin với phụ huynh, HS và xã hội về cánh cửa rộng mở sau học nghề, Sở LĐTBXH đã đưa ra số liệu về tỷ lệ HS tốt nghiệp bậc trung cấp có việc làm sau 1 năm ra trường. Tính trung bình tại 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có tuyển sinh trình độ trung cấp, trong 4 năm qua, con số này là 90,65%. Riêng năm 2022 là 93,93%.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà trường, con số này chưa đủ sức thuyết phục. Tỷ lệ HS có việc làm sau tốt nghiệp phải đi kèm với các thông tin có liên quan như việc làm có đúng với ngành nghề được đào tạo hay không, mức thu nhập ra sao… Truyền thông với những thông tin chung chung sẽ không thể đem lại sự thay đổi về nhận thức cho phụ huynh, HS.
Con số này chưa đủ sức thuyết phục, nhưng không phải vì nó chung chung, mà việc truyền thông như cách làm hiện nay chưa chạm đến được cốt lõi của vấn đề. Tỷ lệ HS tốt nghiệp có việc làm cao ở khối dạy nghề là lẽ đương nhiên và việc làm đúng ngành học ở khối này cũng đạt tỷ lệ cao nhất. Bởi lẽ, người học nghề được trang bị kỹ năng trực tiếp để có thể thích ứng và làm việc ngay. Đó là lý do thợ lành nghề luôn được săn đón ở các DN. Thậm chí, nhiều trường nghề còn có đơn đặt hàng từ DN để đào tạo theo nhu cầu lao động.
Vấn đề cốt lõi chưa chạm được ở đây chính là sự hài hòa giữa nhu cầu, nguyện vọng của HS với nhu cầu nhân lực của xã hội. HS tốt nghiệp THCS thì lựa chọn là gì. Các em muốn học nghề hay tiếp tục học lên THPT? Tỷ lệ 40% HS tốt nghiệp THCS được phân luồng vào học nghề là một chỉ tiêu được giao từ trên xuống, mục đích để cân đối nhân lực, xóa bỏ tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT công lập tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm gần đây là một cách thức để thực hiện điều đó, nhưng vô tình đã đẩy một bộ phận HS ra khỏi khối THPT công lập, buộc các em phải lựa chọn học nghề, trường tư thục, hoặc GDTX. Và lúc này, các em mới được tư vấn, nắm bắt nhu cầu để định hướng học nghề.
Trên thực tế, nhiều HS không chọn học nghề bởi các em không biết phải chọn nghề gì, chưa xác định được thế mạnh và nghề nghiệp tương lai cho mình. Thậm chí, nhiều HS học xong THPT vẫn còn băn khoăn trước lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Ở nhiều nước trên thế giới, công tác hướng nghiệp được làm từ rất sớm, thậm chí ngay từ khi các em còn học tiểu học. Chẳng hạn, tại trường Tiểu học Nghee Ann, Singapore, sau khi hoàn thành bài kiểm tra cuối năm, HS lớp 5 được nghe các chuyên gia trong một số lĩnh vực chia sẻ về tính chất công việc, kinh nghiệm cũng như hành trình xây dựng sự nghiệp của họ. Nhiều trường tiểu học tại Singapore cũng tổ chức hoạt động hướng nghiệp tương tự dành cho HS lớp 5 để dần hình thành tư duy về nghề nghiệp. Còn ở Đức, từ tiểu học, học sinh được dạy rằng “nghề nghiệp nào cũng quan trọng và được tôn trọng như nhau”. Trên lớp, HS được thảo luận về tính bình đẳng và tôn trọng các nghề, tìm hiểu và phân biệt loại hình công việc...
Chương trình giáo dục phổ thông mới của nước ta được triển khai từ năm học 2020-2021 đang dần tiếp cận với xu hướng thế giới. Chương trình chia làm 2 giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Với chương trình mới, học sinh THPT sẽ học ít môn hơn và được chọn môn theo năng khiếu, sở thích. Còn trong chương trình TH và THCS mới, giáo dục nghề nghiệp cũng đã được lồng ghép trong một số môn học và hoạt động ngoại khóa.
Sự thay đổi từ gốc rễ chương trình giáo dục, cùng với việc tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp thật sự chuyên nghiệp chứ không phải chỉ để giúp cho các em chọn trường này hay chọn trường kia sẽ giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng về phân luồng học nghề. Lúc đó, chẳng cần phải áp chỉ tiêu, mà việc phân luồng học nghề cũng sẽ trở nên dễ dàng khi các em đã sớm xác định được nguyện vọng, ngành nghề mà mình mong muốn theo đuổi trong tương lai.
MINH THIÊN