Để du khách quay trở lại

Thứ Sáu, 13/10/2023, 16:49 [GMT+7]
In bài này
.

Trở lại Vũng Tàu sau gần 10 năm, du khách Nguyễn Hồng Sơn (Bắc Kạn) đánh giá Vũng Tàu có sự đồng bộ về hạ tầng, khí hậu trong lành, ấm áp quanh năm. Đây là những “tài nguyên hiếm” trên cả nước. Đặc biệt, môi trường sạch sẽ, mảnh xanh nhiều là điểm cộng cho Vũng Tàu. Nhưng ở mặt hạn chế, anh Sơn cho rằng, nếu lưu lại dài ngày, cảm nhận của anh và hầu hết du khách là du lịch địa phương quá phụ thuộc vào biển mà thiếu sản phẩm giải trí độc đáo và mới lạ.

“Tôi lưu lại Vũng Tàu 7 ngày vừa kết hợp công tác, vừa tham quan, du lịch. Vũng Tàu vẫn vậy, cơ sở lưu trú dày đặc. Đi theo đường ven biển thì thấy du lịch đã trải rộng ra toàn tỉnh với khá nhiều resort sang trọng. Hải sản tươi ngon, ẩm thực đa dạng. Thế nhưng, những không gian giải trí đặc sắc, các điểm ăn chơi đêm mang tính tập trung rất thiếu. Một người khách phương xa sẽ thấy chán vì quanh đi quẩn lại chỉ có bar, nhạc sống, quán nhậu”, anh Sơn dẫn chứng.

Đây cũng là nhận xét của nhiều du khách khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Số liệu thống kê từ Sở Du lịch cho thấy, trong 9 tháng, tổng lượt khách đến tỉnh là hơn 11 triệu lượt, tăng 21,69% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng lượt khách lưu trú hơn 3 triệu lượt, tăng 18,33% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch trong 9 tháng đạt 11.857 tỷ đồng, tăng 31,8 % so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ các cơ sở lưu trú du lịch đạt 4.073 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.

Khách đến có tăng, nhưng không lưu lại qua đêm mà về trong ngày nhiều. Dù rất nỗ lực thu hút khách quốc tế, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Công tác phát triển sản phẩm du lịch chậm, sản phẩm đáp ứng đa dạng nhu cầu vui chơi, giải trí của khách còn thiếu. Du lịch chủ yếu vẫn khai thác lợi thế biển, tắm biển và ăn uống.

Như vậy, điểm nghẽm lớn nhất của ngành du lịch vẫn là làm sao tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để hút khách. Trên thực tế, ngoài biển, Bà Rịa-Vũng Tàu còn giàu tiềm năng về di tích, du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, du lịch tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe… Tuy nhiên, cách làm chưa đến nơi đến chốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xứng tầm trung tâm du lịch biển đặc sắc của cả nước. Để tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch, Bà Rịa-Vũng Tàu cần sự thay đổi rất lớn về tư duy, cách làm du lịch. Vừa chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.

Thu hút DN đầu tư, liên kết thúc đẩy du lịch các địa phương cũng rất quan trọng, đặc biệt là đẩy mạnh hợp tác công-tư, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cần chủ động phối hợp, thúc đẩy liên kết du lịch để cùng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực, quản lý, đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời thường xuyên lắng nghe, trao đổi, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Thay đổi tư duy du lịch, chuyển từ cung cấp cái mình có sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần. Điều này đòi hỏi ngành du lịch và các đơn vị liên quan cần thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu của khách để có những điều chỉnh phù hợp thì du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phát triển bền vững.

TRẦN HIỀN

 

;
.