Dấu mốc chuyển đổi cơ cấu năng lượng

Chủ Nhật, 29/10/2023, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Lễ khánh thành kho cảng LNG của PV GAS vào 29/10 là sự kiện đánh dấu một bước phát triển mới của nền công nghiệp khí Việt Nam, mà PV GAS là cánh chim đầu đàn. Kho LNG Thị Vải được khởi công từ tháng 10/2019, tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Công trình được thi công và hoàn thành đúng tiến độ, trở thành công trình LNG lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam.

Sự kiện cũng mở ra một giai đoạn mới của quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, thân thiện với môi trường. Quan trọng hơn, đây là một trong những những bước đi đầu tiên của việc hiện thực hóa tầm nhìn phát triển hạ tầng điện - khí, trong tương lai, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2023, khi nguồn điện thiếu hụt trầm trọng ở miền Bắc, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng nhìn nhận, hạ tầng điện của cả nước đang tồn tại nhiều bất ổn. Ngoài hệ thống truyền tải, cả nước chưa được bổ sung các nguồn điện lớn có tính ổn định cao. Việc phụ thuộc vào nguồn thủy điện và các nhà máy điện than (thường xuyên phát sinh sự cố) đã dẫn đến nguồn cấp điện sa vào tình trạng "ăn đong".

Trong tương lai, theo Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5/2023, định hướng đến năm 2050, Việt Nam không còn sử dụng than cho phát điện. Bên cạnh chủ trương phát triển không giới hạn nguồn năng lượng tái tạo, Chính phủ xác định tạo điều kiện tối đa để phát triển điện khí.

Lợi thế của các nhà máy điện khí là tính sẵn sàng cao, công suất lớn, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, giảm thiểu khí gây ô nhiễm so với các nhà máy điện chạy than và dầu. Theo đó, dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 nhà máy điện sử dụng LNG với công suất khoảng 22.400 MW, chiếm 15% tổng công suất nguồn điện toàn quốc.

Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn cung cấp khí LNG trong tương lai gần cũng phải phát triển nhanh chóng. Hiện nay, PV Gas đang đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí của cả nước, là đơn vị duy nhất sở hữu và vận hành hệ thống khí hoàn chỉnh từ khai thác, tàng trữ, chế biến đến kinh doanh. Nhưng không thể phủ nhận nguồn cung khí khai thác từ trong nước là có hạn. Kế sách lâu dài của nguồn khí vẫn là nhập khẩu. Mà điều này phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực hạ tầng lưu trữ khí.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đã xác định đến năm 2030, cơ sở hạ tầng nhập khẩu LNG sẽ đạt khoảng 15,7 - 18,2 tỷ m3. So với quy hoạch, công suất của công trình Kho LNG Thị Vải với năng lực hiện tại chỉ là một con số còn khá khiêm tốn. Nhưng đó là những bước đi đầu tiên của việc hiện thực hóa hạ tầng LNG. Trước mắt, đây vẫn là công trình kho chứa LNG lớn nhất và hiện đại nhất ở Việt Nam.

Lãnh đạo PV Gas cho biết, giai đoạn 2 của dự án cũng sẽ sớm được triển khai, nâng công suất lưu chuyển khí lên 3 triệu tấn/năm, qua đó sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung bộ.

Ngoài ra, PV GAS sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí cho các trung tâm nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc”, kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí/hệ thống vận chuyển LNG đến các trung tâm điện lực và KCN. Thực tế, việc phát triển hệ thống hạ tầng điện khí LNG theo mô hình kho cảng trung tâm đã được các nước trong khu vực và thế giới triển khai thành công, đảm bảo hiệu quả tổng thể như: Tập đoàn PTT - Thái Lan, Công ty Singapore LNG (SLNG) - Singapore, Công ty KOGAS - Hàn Quốc, các tập đoàn lớn của Nhật như: Tokyo Gas, Osaka Gas...

Nỗ lực của PV Gas trong phát triển hệ thống hạ tầng khí LNG cũng gợi mở hướng phát triển năng lượng trong tương lai. Đó là việc, Nhà nước giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc nắm cổ phần chi phối trong phát triển hạ tầng công nghiệp điện - khí, để có thể giúp tận dụng năng lực tài chính, kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng hiện có.

Sự kiện khánh thành hệ thống kho cảng LNG Thị Vải, cùng với việc tích cực tháo gỡ các rào cản về mặt chính sách sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tranh thủ khoảng thời gian vàng gia tăng năng lực dự trữ khí, bảo đảm bước tiến mới trong lĩnh vực công nghiệp khí và an ninh năng lượng.

HOÀNG NAM

;
.