Chìa khóa để nông sản tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng

Thứ Tư, 04/10/2023, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ hơn 2 giờ livestream, anh Nguyễn Văn Bằng, nông dân tại một huyện miền núi tỉnh Sơn La đã bán hơn 40kg măng khô, hàng chục hũ măng muối tỏi ớt và hơn 20 lít mật ong. Theo anh Bằng thông tin trên livestream, toàn bộ sản phẩm này đều do gia đình sản xuất. Ong nuôi trong vườn mận, măng thu mua của người dân địa phương và về chế biến. Trong một lần theo dõi livestream, tôi cũng “liều”, thử đặt mua mật ong và măng khô thì khá bất ngờ, sản phẩm khi nhận được đóng gói rất cẩn thận, nhãn mác rõ ràng, ghi đầy đủ thông tin về thành phần, nơi sản xuất, có mã truy xuất nguồn gốc… Đến nay thì không chỉ tôi mà nhiều bạn bè cũng là khách hàng thường xuyên của anh nông dân này nhờ theo dõi kênh bán hàng trên Tiktok và Facebook.

Cách bán hàng của anh nông dân Nguyễn Văn Bằng không còn xa lạ với người tiêu dùng hiện nay. Nhờ nền tảng số, quả cam, con cá, củ khoai lang… đã từ đồng ruộng đến tận tay người tiêu dùng mà không cần qua khâu trung gian là thương lái. Và nông dân họ cũng tự quyết định giá bán cho sản phẩm mình tự nuôi trồng. Thông tin từ Vụ Bưu chính (Bộ TT&TT), kể từ khi kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai, tính đến tháng 6/2023 đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart. Tổng hợp từ các địa phương cũng cho thấy, đã có 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch với tổng giá trị đạt 217,1 tỷ đồng. 

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua Sở NN-PTNT đã phối hợp với Sở TT-TT, UBND các huyện, thành phố,thị xã cung cấp 100% sản phẩm đã được UBND tỉnh đánh giá công nhận là sản phẩm OCOP để hỗ trợ tạo tài khoản, gian hàng lên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Voso.vn. Đến nay, đã có 1.433/2.018 hộ sản xuất nông nghiệp của tỉnh có tài khoản, gian hàng trên sàn thương mại điện tử, đạt 71%. Đây được xem là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa nông sản lên sản thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số trong nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu. Đã có hàng loạt sản phẩm như hồ tiêu, mật ong, khoai mài, đông trùng hạ thảo…. của nông dân trong tỉnh được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong nông nghiệp ngoài việc giảm sức lao động, nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm còn là để giảm thiểu khâu trung gian, mở rộng thị trường cũng như tăng giá trị cho nông sản, kết nối gần hơn giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hiệu quả là vậy nhưng vẫn còn không ít rào cản mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng, các địa phương. Đó là hiện nay đa số nông dân, HTX nông nghiệp vẫn gặp không ít trở ngại do hạn chế về công nghệ, lúng túng trong khả năng tiếp cận, cách thức quảng cáo, chào hàng, quy trình chụp ảnh, đưa ảnh sản phẩm lên gian hàng trên các sàn thương mại điện tử...

Do vậy, trước tiên chính người nông dân cần phải thay đổi tư duy, chủ động và tích cực hơn để tiếp cận với khoa học công nghệ mới, hiện đại. Bên cạnh đó là sự đồng hành, hỗ trợ của cơ quan chức năng như ngành nông nghiệp, công thương, bưu chính viễn thông… Không chỉ trang bị kỹ năng số, tiếp cận nền tảng dữ liệu số mà còn giúp nông dân hòa nhịp với xu thế phát triển.

NGÔ GIA

;
.