Biết có hại thì nên từ bỏ…

Thứ Ba, 24/10/2023, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà anh Hùng có con gái nhỏ vừa tròn 2 tháng tuổi, lúc vừa sinh, bé rất kháu khỉnh, khỏe mạnh, vậy nhưng, cách đây hơn một tuần, bé bị viêm phổi, phải nhập viện cấp cứu. Điều đặc biệt là trên hình ảnh phim X.Quang, phổi của bé có những “vởn khói” như của người hút thuốc lá. Sau một hồi “truy cứu” để tìm nguyên nhân, bác sĩ kết luận, có thể bé đã bị viêm phổi do phải “hút thuốc lá thụ động” từ bố.

Anh Hùng làm nghề đi biển, mỗi chuyến biển thường kéo dài cả tháng trời. Trong những chuyến biển ấy, để đỡ nhớ nhà và tỉnh táo làm việc, anh đã tập hút thuốc lá và nghiện lúc nào không hay. “Khai” với bác sĩ, anh Hùng cho biết, mỗi ngày anh phải “đốt” ít nhất là 2 bao thuốc lá mới bớt cảm giác nhạt miệng và khó chịu trong người. Suốt những tháng cuối của thai kỳ và khi vợ sinh con, anh Hùng ở nhà chăm sóc 2 mẹ con. Thời gian đầu, mỗi lần thèm thuốc, anh đều ra khỏi nhà, tìm chỗ vắng ở vỉa hè đốt thuốc, nhưng về sau, do bận bịu với việc chăm bẵm 2 mẹ con nên tiện đâu thì anh hút đó, kể cả lúc bế con cho vợ tắm rửa.

Nhìn con gái nhỏ phải điều trị kháng sinh liều cao, thở khò khè và ho từng cơn đến thắt cả bụng, anh Hùng vô cùng xót xa và tự hứa với mình sẽ đoạn tuyệt với thuốc lá.

Anh Hùng cho biết, anh từng nghe nói đến tác hại của thuốc lá, kể cả là người hút thuốc lá thụ động (bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá từ người hút thuốc lá), nhưng không thể hình dung được lại tác hại đến như vậy. “Nghe tai phải, ra tai trái” những  lời can gián của vợ, cho đến khi tận mắt chứng kiến con gái nhỏ của mình phải chịu đựng tác hại của thuốc lá.

Bác sĩ nhấn mạnh rằng, chỉ một phần khói thuốc lá sẽ được người trực tiếp sử dụng hút vào, trong khi phần lớn quay trở lại môi trường. Cụ thể, lượng khói thuốc được thải ra gấp 5 lần so với lượng được người hút hút vào. Đi kèm với đó, phạm vi ảnh hưởng của khói thuốc lá sẽ trong khoảng từ 7m-10m. Đồng thời, nó vẫn có khả năng tồn tại trong môi trường không khí kể cả khi chúng ta không còn ngửi hay nhìn thấy nó. Có những địa điểm dễ bị hít phải khói thuốc lá thụ động như ở nơi làm việc, những nơi công cộng (công viên, phương tiện công cộng,...) hay ngay cả ở nhà, trong không gian kín, nhỏ hẹp.

Khi hút thuốc lá thụ động, khói thuốc chưa qua đầu lọc mà đi trực tiếp vào cơ thể con người. Từ đó, khiến cho sức khỏe của những người không hút thuốc lá nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng chịu hậu quả xấu không thua kém các đối tượng trực tiếp sử dụng.

Trong đó, một số đối tượng bao gồm trẻ em, phụ nữ đang mang thai, người lớn tuổi, người bị bệnh tim hoặc bệnh về hô hấp đối diện với nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng hơn từ khói thuốc lá.

Trên thực tế, sau thời gian dài chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá, phát động các phong trào thi đua; thậm chí là “cấm hút thuốc” ở nhiều nơi như công sở, bệnh viện, trường học, nơi công cộng… thì tình trạng hút thuốc lá đã giảm. Nhưng, không hẳn là ở ngưỡng an toàn cho cộng đồng, khi hàng năm, vẫn có rất nhiều người phải nhập viện điều trị do tác hại của thuốc lá.

Biết là có hại thì nên từng bước loại trừ, trước mắt là “hạn chế sử dụng” cho đến khi ngưng hẳn và hãy kiên quyết “nói không với thuốc lá” để an toàn, lành mạnh cho chính bản thân và những người chung quanh.

Bởi: Hút thuốc lá có thể gây ung thư với mọi cơ quan trong cơ thể của bạn: phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy, dạ dày. Hút thuốc cũng gây ra: Bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh phổi như khí phế thũng và viêm phế quản. Người hút thuốc có nhiều nguy cơ: Mắc bệnh lao.

TIỂU CƯỜNG

 

;
.