Xem xét trách nhiệm của cán bộ trong xử lý thực tiễn luôn là việc rất khó, nhạy cảm, đòi hỏi quan điểm khách quan, toàn diện. Vừa phải có chiều sâu, vừa phải có tầm nhìn trên chiều hướng phát triển.
Có việc lúc xảy ra được cho là sai, nhưng chục năm sau mới thấy đúng. Có quyết định đúng vào thời điểm đó, sau một thời gian, lại thấy sai vô cùng. Có trường hợp, cán bộ biết quyết định của mình là mạo hiểm, trái với suy nghĩ của đại đa số nhưng vẫn phải làm, vì nếu không làm thì mất cơ hội, thiệt hại còn lớn hơn cả việc tuân thủ đúng quy định và theo số đông.
Câu chuyện về “cha đẻ của khoán hộ” Kim Ngọc là bài học lịch sử chưa bao giờ hết tính thời sự về những cán bộ dám “xé rào” để phát triển. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn sau thời kỳ thành lập tỉnh, đứng trước đòi hỏi tìm nguồn lực xây dựng hạ tầng, lãnh đạo địa phương cũng đã đưa ra những quyết định táo bạo, chưa có trong tiền lệ…
Trên thực tế, không phải cán bộ nào cũng đủ bản lĩnh để lựa chọn quyết định tốt cho sự phát triển. Bây giờ, khi công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang ở mức độ cao, việc làm đúng quy định của đội ngũ cán bộ các cấp được soi xét kỹ, thì chuyện thể hiện bản lĩnh trong đưa ra quyết định lại càng khó.
Nhiều nơi trong cả nước đã đề cập đến tình trạng cán bộ thoái thác, đùn đẩy, né việc khó, sợ ra quyết định quan trọng. Cho nên không ít việc dù trong tầm quản lý, lại phải lấy ý kiến tập thể, xin phép cấp này, cấp khác, vừa tốn thời gian vừa đánh mất hiệu quả quản lý.
Để khắc phục tình trạng này, sau rất nhiều lần được đề cập ở các diễn đàn khác nhau, cuối cùng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nghị định áp dụng với cán bộ, công chức lãnh đạo cơ quan, tổ chức hành chính cả nước; viên chức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Cụ thể, theo nghị định, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.
Đây có thể coi là hành lang pháp lý làm chỗ dựa cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy, giúp xóa bỏ bệnh sợ trách nhiệm. Làm cho cán bộ tự tin, bản lĩnh hơn trong việc đưa ra quyết định.
Đương nhiên, cùng với quy định có tính giảm bỏ áp lực, Chính phủ cũng nghiêm cấm việc lợi dụng chính sách này để bao che cho các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng.
Nghị định 73 là một trong những bước tiến vì mục tiêu tạo đột phá trong năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị định đã trút bỏ một phần áp lực phải làm đúng, làm trúng và làm chuẩn. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa đặt ra đòi hỏi cao về năng lực cán bộ. Bởi vì chỉ có sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm là chưa đủ. Dám làm nhưng phải biết làm. Dám làm mà làm đúng và tốt hơn cho xã hội, cho nhân dân, cho đất nước mới thực sự khó.
“Muốn lên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn. Nhưng có nhiệt tình mà thiếu tài năng, thiếu tri thức khoa học sẽ chỉ dẫn tới làm trái quy luật, làm tổn thất nguồn lực xã hội. Cũng như Lê nin đúc rút chân lý: “Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại”.
HOÀNG NAM