Trung thu lan tỏa yêu thương

Thứ Năm, 28/09/2023, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Nhân dịp Tết Trung thu, các cơ quan, đơn vị, công đoàn cơ sở, LĐLĐ các cấp, trường học, mái ấm và doanh nghiệp đã và đang tổ chức nhiều hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em.

Từ đầu tháng Tám âm lịch đến nay, những hoạt động: đêm hội trăng rằm, cuộc thi làm lồng đèn, bày trí mâm cỗ Trung thu, tặng quà Trung thu… được tổ chức khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngoài việc tổ chức Tết Trung thu cho con em cán bộ, công nhân viên còn tổ chức chương trình Tết Trung thu, tặng quà cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm. Các nhóm thiện nguyện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động Trung thu cho thiếu nhi nông thôn, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Với những đứa trẻ bình thường, trẻ ở khu vực đô thị, những đêm hội trăng rằm, chiếc bánh, lồng đèn Trung thu, hình ảnh chú Cuội, chị Hằng không còn xa lạ nhưng với những đứa trẻ ở vùng xa, vùng nông thôn hay trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, đó là cả một miền cổ tích, là niềm ước mơ. Vì vậy, các em rất háo hức tham gia các hoạt động trong chương trình Tết Trung thu. Hình ảnh các em bé tươi vui, rạng rỡ chạy nhảy, chơi đùa bên những con lân, hào hứng tham gia trò chơi cùng chú Cuội, chị Hằng hay phấn khởi khi nhận quà, đèn Trung thu khiến những người tổ chức thêm hạnh phúc và là động lực để tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa đến các em.

Những món quà, những hoạt động vui Tết Trung thu đó thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương của cộng đồng đối với các em trên tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nó như những hạt giống tốt gieo vào lòng các em, để các em cảm nhận được tình yêu thương mà cộng đồng xã hội dành cho mình, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn, lối sống tốt đẹp, biết sẻ chia, yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh. Mai này, khi trưởng thành, các em sẽ tiếp tục gieo mầm yêu thương đó cho các thế hệ sau.

Chăm lo cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ mồ côi, cơ nhỡ là chính sách nhân văn nhất quán của Đảng, Nhà nước và là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ nhiều năm qua. Các hoạt động chăm lo cho trẻ em được thực hiện thường xuyên, rộng khắp bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa như: Chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, miễn giảm học phí, tặng quà, học bổng, đồ dùng học tập, đỡ đầu, tạo điều kiện thuận lợi để mọi trẻ em đều được đến trường; thăm, tặng quà các em vào các dịp lễ, tết…

Dù vậy, trong bối cảnh đất nước ta còn khó khăn, công tác chăm lo trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi… còn nhiều trở ngại. Điều kiện sinh hoạt, học tập, vui chơi, giải trí và thụ hưởng văn hóa, tinh thần của các em còn thiếu thốn, chênh lệch so với trẻ em ở khu vực đô thị, khu vực trung tâm. Sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước là chưa đủ đáp ứng nhu cầu các em, bởi nguồn lực còn hạn chế. Do vậy, các em rất cần sự chung tay giúp sức của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội. Sự hỗ trợ ấy không phải chỉ là vào những dịp đặc biệt, lễ, tết mà cần được duy trì thường xuyên, liên tục để góp phần làm cho các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, để tình yêu thương được lan tỏa rộng khắp như ánh trăng rằm tỏa sáng muôn nơi.

NGUYỄN ĐỨC

;
.