.

Quy hoạch đô thị tốt, cần lắm sự mở lòng...

Cập nhật: 18:32, 22/09/2023 (GMT+7)

Vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội đã tìm ra nguyên nhân, những sai phạm liên quan đã có người phải chịu trách nhiệm. Quy định về chung cư được siết chặt lại. Dù vậy, vụ việc đã dấy lên nhiều vấn đề về quy hoạch (QH) một đô thị lâu đời như Hà Nội. Bởi sự chật hẹp, thiếu thốn không gian ở chính là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề mất an toàn trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Một Hà Nội chật hẹp, nhiều ngõ ngách. Những căn nhà nhỏ, xuống cấp trong khu phố cổ và chủ trương QH giãn dân khu phố này bấy lâu này vẫn là đề tài được bàn cãi khá nhiều. Gần 20 năm kể từ ngày có chủ trương, phố cổ vẫn chưa thể giãn dân. Trong con phố cổ vẫn tồn tại những ngôi nhà chật hẹp đến mức chủ nhân của nó chỉ có thể di chuyển ở tư thế ngồi. Vậy mà nhiều người dân phố cổ vẫn chấp nhận sống trong những căn nhà như vậy, nhất quyết không chịu di dời.

Bởi khu phố cổ sầm uất đem lại cho họ “miếng cơm” dễ kiếm, nơi mà chỉ cần mở 1 quán nước nhỏ thôi cũng đủ kiếm sống. Giống như việc người dân cố bám trụ ở những khu chung cư mini giá rẻ dù họ biết không an toàn, nguy cơ cháy nổ rất cao. Bởi họ chưa lo tới, vì mãi cuốn theo cuộc sống “cơm áo, gạo tiền”, hoặc tâm lý “mặc kệ” chính quyền, ngành chức năng có trách nhiệm lo.

Một điều không kém phần quan trọng khiến người dân phố cổ không chịu di dời, bởi trong tâm thức của nhiều người đó là “quốc hồn, quốc túy”, là niềm tự hào, nâng niu quá trị quá khứ với bao thế hệ đã gắn bó với nơi đây. Suy nghĩ đó cũng dễ hiểu. Giống như việc người Hà Nội uống bia hơi nhất định phải dùng loại cốc sần sùi như cóc gặm trong khi có không ít loại cốc đẹp, trong suốt hơn.

Vì lẽ đó, muốn giãn phố cổ, ngoài chính sách đền bù thỏa đáng, tái định cư phù hợp, sự kiên quyết của chính quyền thì cần nhất vẫn là thay đổi tư duy, cách nghĩ của người dân khu phố cổ để họ mở lòng, sẵn sàng tiếp nhận một cuộc sống ở nơi mới, tương lai sẽ tốt hơn là điều chắc chắn.

Nhìn lại 11 năm trước đây tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khi có chủ trương di dời trụ sở các cơ quan hành chính cấp tỉnh ở TP.Vũng Tàu về TP.Bà Rịa, nhiều cán bộ, công chức gặp khá nhiều khó khăn khi phải đi làm xa, buổi trưa không thể về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi như trước. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã gấp rút hoàn thành các dự án nhà ở cho cán bộ, công chức có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thông qua nghị quyết hỗ trợ chi phí đi lại hàng ngày trong thời gian đầu để mọi người yên tâm công tác.

Sau 11 năm trôi qua, giờ đây, chúng ta được một TP.Vũng Tàu thoáng, xanh, sạch và đẹp hơn. Nếu ngày ấy, việc QH cứ ì ạch, không trả lại không gian phát triển du lịch cho Vũng Tàu thì giờ đây, có thể các tuyến đường đã kẹt kín xe vào giờ tan tầm. TP.Vũng Tàu sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc xe nghiêm trọng không khác gì Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh.

Dẫn chứng trên cho thấy một QH tốt, được làm rốt ráo sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng, và cả nước nói chung. Bên cạnh việc thay đổi suy nghĩ cố hữu của người dân, điều quan trọng, chính quyền, người đứng đầu có kiên quyết để làm hay không? Và làm phải thật sự công tâm, minh bạch.

Khi phố cổ được QH, những gì còn là di sản cần được bảo vệ hoàn toàn. Tất cả người dân trong khu vực này nhất thiết phải di dời. Còn những khu vực khác của phố cổ, thì di dời những căn hộ quá chật hẹp, không đảm bảo điều kiện sống. Khi thực hiện chính sách di dời cần có phương án bồi thường giá đất đặc thù, không thể áp giá cào bằng như các khu vực khác. Để làm được điều này cần một cơ chế riêng biệt, đột phá để người dân cảm thấy có thể chấp nhận được và đồng tình với phương án di dời.

Đã đến lúc, người dân cần có động lực lựa chọn cuộc sống mới với chất lượng tốt, thay vì phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn từ sự xuống cấp của các công trình nhà ở. Trên hết đó là sự chung tay, góp sức của mỗi người để QH cải tạo những khu phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại.

MINH THIÊN

.
.
.