.

Nhắc nhau trước khi nâng ly

Cập nhật: 17:12, 24/09/2023 (GMT+7)

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT - Bộ Công an), sau gần 1 tháng thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có nồng độ cồn, 6 tổ công tác của Bộ Công an đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, trong số những người vi phạm, có hơn 100 trường hợp là công chức, viên chức, công an, bộ đội, nhà báo… Những trường hợp vi phạm đều được gửi thông báo về đơn vị công tác để có hình thức kiểm điểm, xử lý.

Với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trong mấy năm gần đây, lực lượng Cục CSGT và CSGT các địa phương đã xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, kể cả người vi phạm là cán bộ, công chức, công an, quân đội, nhà báo - những trường hợp mà trước đây dễ được thông cảm bỏ qua đối với các lỗi vi phạm về giao thông.

Song song đó, hầu hết các địa phương và các ngành đã ban hành quy định riêng để xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm ngoài bị xử lý theo quy định của pháp luật còn bị gửi thông báo về đơn vị công tác làm cơ sở xem xét thi đua, xử lý kỷ luật. Bên cạnh đó, người tham gia “giải cứu” người vi phạm cũng bị xử lý, nhắc nhở, “ghi sổ”. Điều đó có nghĩa, người vi phạm đã bị chặn mọi đường thoát, chỉ còn cách ký vào biên bản.

Thái độ kiên quyết đó của lực lượng CSGT các cấp đã được dư luận đồng tình, ủng hộ. Với mức xử phạt cao, cùng thời gian tạm giữ giấy phép lái xe lâu nhất đến 2 năm, nhiều người phải chùn tay, cân nhắc khi nâng ly. Trước khi rủ nhau uống bia, rượu, anh em, bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhau: Đi xe gì, lát có ai chở về không. Khi bị ép buộc, chúng ta hoàn toàn có quyền từ chối với lý do chính đáng: Nếu tôi bị xử phạt, bạn có đóng phạt thay, có đưa đón tôi đi làm mỗi ngày?

Chế tài xử phạt đủ nặng để khiến bạn nhậu không dám ép nhau. Trường hợp không thể từ chối thì phải chọn cách di chuyển bằng taxi, xe ôm hay nhờ người không uống chở về. Chi phí có thể hơi cao một chút so với sử dụng phương tiện cá nhân, nhưng so với chi phí nộp phạt vì vi phạm nồng độ cồn thì chỉ là con số rất nhỏ, lại còn bảo đảm an toàn giao thông!

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng CSGT các cấp, tình hình TNGT trong cả nước 9 tháng đầu năm 2023 có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023, cả nước xảy ra 8.333 vụ TNGT, làm chết 4.763 người, bị thương 5.802 người, giảm 194 vụ (-2,28%), giảm 124 người chết (-2,54%), tăng 161 người bị thương (+2,85%), so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn ghi nhận trong các dịp cao điểm đã giảm sâu so với những năm trước.   

Từ nay đến cuối năm là thời gian cao điểm mùa cưới, tiệc liên hoan, tổng kết, mừng năm mới… Theo đó, nhu cầu sử dụng rượu, bia của người dân cũng sẽ gia tăng, làm tăng nguy cơ TNGT liên quan đến việc người sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông. Phát huy kết quả đã đạt được, lực lượng CSGT các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn. Việc làm này được duy trì thường xuyên, lâu dài sẽ dần tạo thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, cân nhắc trước khi nâng ly trong mỗi người dân, qua đó tiếp tục kéo giảm số vụ TNGT có nguyên nhân liên quan từ rượu, bia.

NGUYỄN ĐỨC

 

 

.
.
.