Đẹp và... an toàn

Thứ Sáu, 29/09/2023, 16:42 [GMT+7]
In bài này
.

Đẹp và an toàn là 2 khái niệm độc lập. Đẹp là chuyện của đẹp, an toàn là chuyện của an toàn. Nhưng rất nhiều trường hợp, cái đẹp và sự an toàn đứng trong một thể thống nhất. Cái đẹp trở thành thảm họa nếu mất an toàn.

Chẳng hạn như chuyện làm đẹp của phụ nữ. Bây giờ đã phổ biến trong xã hội. Và thay vì quan tâm nhiều đến việc sửa sang sao cho đẹp, phụ nữ chú trọng nhiều hơn đến an toàn làm đẹp. Đẹp mà phương hại sức khỏe, thì cũng không đẹp làm gì…

Xin được đưa ra thêm một ví dụ khác về cái đẹp và sự an toàn.

Vũng Tàu có những tuyến đường tuyệt đẹp, thuộc loại hiếm có ở Việt Nam. Con đường được du khách mê mẩn nhiều nhất là đường 3/2 (phân đoạn của QL51). Người ta mê vì đoạn đường này có hệ thống cây xanh không nơi nào bằng. Giữa dải phân cách rộng là hàng me tây phủ bóng. Tầng thấp là giàn hoa giấy cắt tỉa công phu. Đêm xuống, đèn trang trí thắp sáng vừa phải, mát dịu, tạo cảm giác cứ muốn chạy xe thư giãn dưới tán cây mà không muốn về...

2 bên đường là sự đan xen của cây rừng, dầu và hoàng yến. Đoạn qua khu vực phường 12 TP.Vũng Tàu còn có rừng đước, tươi xanh quanh năm.

Để có một đoạn đường đẹp nối 2 đô thị Vũng Tàu-Bà Rịa là nhờ công lớn của các công ty công viên cây xanh và đô thị, với những nhân viên luôn chăm chỉ, cần mẫn. Họ quét dọn từng chiếc lá, cắt tỉa từng ngọn cây từ lúc sớm mai, được người dân trân trọng. Nhìn họ làm việc và nhìn kết quả cộng đồng được thụ hưởng, không ai không hài lòng.

Không có vẻ đẹp công cộng nào tự dưng mà có. Tất cả đều nhờ vào việc có những bàn tay dày công vun vén!

Nhưng chuyện tô điểm cho đường 3/2 và nhiều tuyến đường khác trong tỉnh cũng không vì thế mà bỏ qua yếu tố an toàn và thông suốt - vẻ đẹp cơ bản nhất của giao thông.

Trong nhiều lần chạy xe trên đường 3/2, tôi đã gặp nhiều trường hợp thiếu an toàn từ việc cắt tỉa cây xanh.

Phổ biến nhất là tình trạng ô tô phải thắng gấp để chuyển làn vì bất ngờ trước rào chắn dựng lên trên đường, cách chỗ làm việc của công nhân cắt tỉa cây xanh chỉ dăm mét. Cách đặt rào chắn này cần được xem xét lại, theo hướng an toàn hơn.

Chí ít là các rào chắn phải có khả năng cảnh báo từ xa cho người lái. Thường thì những rào chắn này đang quá nhỏ và quá khó để nhìn thấy. Vì thế, từng có trường hợp ô tô mất lái, lao lên diải phân cách. Còn chuyện xe ùn ứ, dồn toa tránh rào chắn đã là chuyện thường ngày rồi.

Thử lo xa hơn, giả sử tài xế đang lao xe với tốc độ tối đa cho phép (90km/ giờ), chỉ cần một tỉ lệ nhỏ trong số đó không kịp xử lý tình huống, điều gì sẽ xảy ra?

Thứ nữa là tần suất cắt tỉa và khung thời gian cắt tỉa. Trong 2 yếu tố này, tần suất xem ra khó điều chỉnh, nhưng khung giờ cắt tỉa là chuyện nên tính toán thêm. Theo lẽ thường là hạn chế các giờ cao điểm, tranh thủ lúc thấp điểm.

Cũng cần nói thêm, khi công nhân thi công ở khu vực bảo đảm an toàn thì không nhất thiết phải đặt các loại rào chắn, biển cảnh báo cứng xuống đường. Càng hạn chế tối đa được việc đặt rào chắn phục vụ việc cắt tỉa cây xanh, sẽ giảm bớt được nguy hiểm và đường trở nên thông suốt hơn.

Người dân đều muốn được đi trên những con đường đẹp. Nhưng người dân càng muốn nhiều hơn ở sự an toàn. Người dân trân trọng những người làm đẹp cho từng tuyến phố. Và người dân lại càng trân trọng hơn, nếu chuyện làm đẹp đó được điều chỉnh để an toàn hơn.

HOÀNG NAM

;
.