Để sản phẩm OCOP mang giá trị khác biệt

Thứ Ba, 26/09/2023, 18:02 [GMT+7]
In bài này
.

Chỉ với hạt hồ tiêu, các DN và HTX trên địa bàn tỉnh đã chế biến ra thành nhiều loại sản phẩm như tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu không hạt, vươn tầm khỏi mảnh vườn nhỏ để có mặt tại nhiều siêu thị trong và ngoài nước. Hay với củ nghệ, trước đây các bà nội trợ đơn thuần chỉ dùng làm gia vị thì nay cũng được chế biến ra hàng loạt sản phẩm như tinh bột nghệ, nano curcomin, viên nghệ mật ong. Từ củ khoai mài (hay còn gọi là hoài sơn) xù xì đã trở thành bột hoài sơn, sữa hoài sơn, bánh hoài sơn, cà phê hoài sơn… Tất cả đều được đóng gói bao bì mẫu mã bắt mắt, có thương hiệu, chứng nhận ATVSTP, mã vạch truy xuất nguồn gốc…

Đây là kết quả mà chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mang lại. Đặc biệt, khi các chủ thể tham gia chương trình quan tâm đến việc đầu tư chế biến sâu, nâng cao chất lượng, đạt chứng nhận an toàn quốc tế đã giúp cho sản phẩm không chỉ đứng vững trên thị trường trong nước mà còn vươn xa ra thế giới.

Thông tin từ Sở NN-PTNT cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh có 91 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của 45 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 62 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao (89 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận và 2 sản phẩm đươc UBND cấp huyện công nhận). Sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đều chú trọng sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn ISO, VietGAP, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận HACCP, chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các chủ thể cũng tập trung phát triển vùng nguyên liệu đầu vào tại địa phương và kiểm nghiệm đánh giá từ quy trình trồng, thu hoạch. Đây là yếu tố cốt lõi để phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc khai thác giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền. Tuy nhiên theo đánh giá, mặc dù có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng, giàu tiềm năng và đa dạng về chủng loại, nhưng đối với các sản phẩm được khai thác từ nông sản địa phương, diện tích vùng trồng vẫn còn khá hạn chế, chưa đảm bảo được sản lượng nguyên liệu đầu vào và xác định các dòng sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đơn cử như hiện nay nhiều chủ thể trên địa bàn tỉnh đều sản xuất các sản phẩm mang tính chất na ná nhau như tinh bột nghệ, sữa hoài sơn, bột hoài sơn, tiêu không hạt…

Thực trạng trên cũng đặt ra bài toán khó cho các địa phương trong việc phát huy được hiệu quả sản phẩm OCOP. Đó là xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, có chiến lược bài bản, mang đặc trưng riêng, có tính cạnh tranh cao, tránh tình trạng làm theo phong trào, dàn trải.

Mục tiêu Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, phát triển tối thiểu 20-24 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Với tiềm lực sẵn có của Bà Rịa-Vũng Tàu, mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng làm thế nào để tránh tình trạng có quá nhiều sản phẩm tương đồng với nhau, từ hạt tiêu, hoài sơn, đông trùng hạ thảo... đến các loại nấm. Đây chính là mấu chốt mà các chủ thể cũng như cơ quan chức năng cần lưu tâm. Làm thế nào để sản phẩm OCOP chiếm lĩnh thị trường không chỉ trên kệ hàng, mà còn mang giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền qua mỗi câu chuyện kể.

LAM GIANG

 

;
.