Thị trường bảo hiểm còn nhiều bất cập

Thứ Năm, 15/06/2023, 20:39 [GMT+7]
In bài này
.

Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) của Việt Nam đã có 19 doanh nghiệp tham gia, cung cấp hơn 500 sản phẩm BHNT và bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm của khách hàng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo hiểm còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, bảo đảm cho người tham gia bảo hiểm thụ hưởng nhiều sản phẩm hữu ích và dự phòng kế hoạch tài chính tương lai.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bảo hiểm (TTBH) Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Riêng trong giai đoạn 2018-2022, thị trường BHNT tăng trung bình khoảng 21%/năm, gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng trung bình của TTBH thế giới. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng doanh thu phí BHNT đạt 178.269 tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2021; tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm là 42.561 tỷ đồng. Ngoài chức năng chính là chi trả quyền lợi bảo hiểm, ngành bảo hiểm cũng là kênh huy động vốn của nền kinh tế nước ta với tổng số tiền đầu tư trở lại là 656 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tăng trưởng “nóng” nên lĩnh vực bảo hiểm đã bộc lộ nhiều vấn đề. TTBH đã phát sinh nhiều vụ lùm xùm chung quanh chất lượng hoạt động tư vấn; chất lượng chăm sóc và giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Thời gian gần đây, nhiều khách hàng bức xúc, khiếu nại khi mua sản phẩm bảo hiểm thành sản phẩm của quỹ đầu tư sinh lời, hoặc khi vay vốn ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, kể cả việc gửi tiền ở ngân hàng cũng bị biến đổi thành hợp đồng BHNT…

Trước tình hình đó, từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Kết quả, đến ngày 25/4/2023, riêng về kênh ngân hàng bán chéo cho công ty bảo hiểm (bancassurance) đường dây nóng đã nhận được 192 phản ánh qua điện thoại và 299 phản ánh qua email. Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn tố cáo liên quan đến bacassurance. Số liệu thanh tra năm 2022 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, đã phát hiện 3.100 đại lý có sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm bảo hiểm.

Những vụ việc đó đã khiến cho hình ảnh BHNT trở nên méo mó và biến tướng. Nguyên nhân là do chất lượng hoạt động của một số đại lý bảo hiểm chưa cao, tư vấn chưa đầy đủ, chưa khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. Vì chạy theo nguồn lợi, nhiều ngân hàng thương mại đã giao chỉ tiêu cho nhân viên khi thực hiện bán chéo bảo hiểm bancassurance, nên đã để xảy ra tình trạng chèo kéo, ép khách mua bảo hiểm mới được giải ngân khoản vay; hoặc tư vấn lập lờ khiến khách hàng nhầm tưởng bảo hiểm là sản phẩm tiết kiệm, đầu tư sinh lời lớn.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách mới đây, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu ra những vấn đề bất cập trong quản lý hoạt động BHNT trong thời gian qua. Đại biểu cho rằng, về bản chất, BHNT là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ người dân giảm thiểu mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, những vụ kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Để những giá trị cốt lõi nhân văn của BHNT không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi, bà Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động BHNT, trong đó, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và tăng cường tính minh bạch của TTBH đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, bổ sung các quy định nâng cao chất lượng hoạt động của các đại lý bảo hiểm và cần có quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cần tăng cường trách nhiệm đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý và minh bạch hóa thông tin về hợp đồng bảo hiểm. 

Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát tổng thể quy trình nghiệp vụ (bao gồm: Quy trình đào tạo đại lý, quy trình khai thác, thẩm định hợp đồng và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng); kịp thời tiếp nhận, giải đáp và xử lý dứt điểm các phản ánh, thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.

HOÀNG LÊ

 

;
.