Với 470 trên tổng số 475 đại biểu có mặt đồng ý (95,14%), sáng 24/6, Quốc hội đã thông qua dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Thông tin được ngành du lịch hết sức mong đợi, đó là thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp, danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa.
Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Hiện nay, e-visa do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài qua hệ thống giao dịch điện tử, có giá trị một lần. Việt Nam đang cấp thị thực điện tử cho công dân 80 nước.
Với những quy định cởi mở hơn và tiếp cận những chuẩn mực quốc tế hàng đầu kỳ vọng sẽ tạo luồng gió mới cho ngành du lịch, đặc biệt là thu hút khách quốc tế, nhất là dòng khách có khả năng chi trả cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến Việt Nam so với các nước trong khu vực.
Visa đã trở thành một công cụ điều tiết về du lịch góp phần lớn trong phát triển kinh tế sau dịch. Phân tích của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cũng cho thấy, sự thuận lợi của việc cấp thị thực nhập cảnh có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm. Nghiên cứu về tác động từ việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng cho thấy lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Chính vì vậy, việc thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn sẽ là “chìa khóa” mở cửa thông thoáng nhằm hút khách quốc tế, giúp ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức lớn trong bối cảnh nguồn khách du lịch nước ngoài sụt giảm do dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Do đó, bên cạnh sự thuận lợi về chính sách visa thì điều quan trọng vẫn là tạo ra sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách. Dù có lợi thế nhiều di sản được UNESCO công nhận, nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, ẩm thực phong phú và vô vàn các thắng cảnh “gây nhớ thương” cho khách du lịch, nhưng nếu không tạo ra những sản phẩm mới, có chất lượng thì cũng dễ khiến cho du khách “một đi không trở lại”. Đây cũng là thực trạng đòi hỏi ngành du lịch cần có sự thay đổi cà về lượng và chất, phải làm sao để du khách chi tiêu nhiều hơn khi đến Việt Nam.
Đó là tập trung khai thác thị trường chi tiêu cao, đặc biệt, cần tận dụng tối đa ngày lưu trú bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo để giữ chân khách, góp phần tăng nguồn thu, cũng là cơ hội tạo sức bật cho du lịch Việt Nam.
LAM GIANG